Từng bước hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài sản ảo tại Việt Nam

Thứ tư, 13/03/2024 16:53
(ĐCSVN) – Cộng đồng đã và đang dành nhiều sự quan tâm cũng như ủng hộ mạnh mẽ đối với nỗ lực thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo (VA, VASP) của chính phủ Việt Nam. Hội thảo lần này là tiền đề quan trọng để các đại biểu cùng thảo luận cởi mở, đóng góp các ý kiến một cách tích cực, trên tinh thần xây dựng, khách quan, vì mục tiêu chung là góp phần xây dựng kinh tế - xã hội Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.

Ngày 13/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP) nhằm thu thập ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này. GS.TSKH Hoàng Văn Huây, Chủ tịch VBA, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự Hội thảo.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: HNV) 

Ngoài trao đổi, thảo luận trực tiếp tại sự kiện, các ý kiến trực tiếp và gián tiếp gửi về qua các cổng tiếp nhận thông tin sẽ được VBA tổng hợp, phân tích và gửi tới các cơ quan chức năng để kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý trên tinh thần phù hợp tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế trước thời hạn tháng 5/2025 theo Quyết định 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại diện cơ quan quản lý nhà nước như: Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện Lập pháp của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng,... các tổ chức nghiên cứu, công ty công nghệ, tài chính, các đơn vị pháp lý, luật sư trong và ngoài nước và đông đảo cộng đồng VASP tại Việt Nam cùng đại diện của 30 cơ quan thông tấn báo chí.

Đây là Hội thảo Khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo lần thứ 3 do VBA tổ chức. Trước đó, VBA đã phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức 2 hội thảo góp ý tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội và chi nhánh TPHCM vào tháng 9/2023 với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của gần 2.000 khách mời là đại diện các cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại, các đơn vị nghiên cứu, công ty luật, VASP trong và ngoài nước.

Tạo diễn đàn thiết thực tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về VA, VASP

Phó Chủ tịch VBA, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Đoan Hùng phát biểu khai mạc (Ảnh: HNV) 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch VBA, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chia sẻ sự tham gia đông đảo của các cơ quan, đơn vị và các VASP đang hoạt động tại thị trường Việt Nam cho thấy sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ đối với nỗ lực thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý VA và VASP của chính phủ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, ngày 23/2/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF). Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với VAs và VASPs (tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo) và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó, bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ và biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, thời hạn cụ thể là tháng 5/2025. Đây là một hành động rất quyết liệt và tích cực của chính phủ nhằm khôi phục uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế sau khi chúng ta bị đưa vào danh sách theo dõi tăng cường của FATF vì không có đủ các cơ chế phòng chống rửa tiền, bao gồm phòng chống rửa tiền qua giao dịch tiền ảo, tài sản ảo (VA,VASP). Đồng thời, đây cũng là một cơ hội đặc biệt đối với chính các VASP đang hoạt động ở thị trường Việt Nam bởi lẽ chúng ta đang đứng trước cơ hội được tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý dành cho hoạt động của chính chúng ta.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA nhấn mạnh: “VA là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới. Tổng giá trị VA dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỷ USD vào năm 2030. Việc cấm VA là không khả thi. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng, cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách Xám theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền.

VBA kêu gọi cộng đồng và các VASP tích cực đề xuất các giải pháp và phối hợp với các Cơ quản quản lý, hiệp hội nghề nghiệp trong các vấn đề hoạt thiện cơ sở pháp lý VA và VASP; Hỗ trợ các hoạt động phổ biến nhận thức cộng đồng ở khối tư nhân như quyết định 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 thông qua việc chuẩn bị các chương trình đào tạo cho khách hàng của mình, chứng minh các quy trình tuân thủ và phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động bảo vệ lợi ích cộng đồng chống lừa đảo; Cùng hội nghề nghiệp chủ động sẵn sàng đóng thuế và đề xuất các giải pháp được đóng thuế để khẳng định vai trò của VA và VASP đóng góp vào nền kinh tế đất nước.

Ông Joe Tu, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn cầu VASP CoinEx trao đổi tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Ông Joe Tu, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn cầu, đồng thời là đơn vị sản xuất BTC sạch lớn nhất thế giới, VASP CoinEx cho biết, đơn vị này cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý và đạo đức tại Việt Nam, đặc biệt là các quy định về phòng chống rửa tiền. CoinEx cũng bày tỏ sự tuân thủ thông qua việc cam kết hỗ trợ chương trình truy vết các dự án có dấu hiệu lừa đảo ChainTracer do VBA khởi xướng, nhằm bảo vệ người dùng và giảm thiểu hậu quả từ việc lợi dụng công nghệ blockchain cho mục đích xấu, làm xói mòn lòng tin của xã hội.

Ngoài ra, CoinEx nhấn mạnh tầm quan trọng và đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật và những đơn vị doanh nghiệp có liên quan nhằm tạo điều kiện cho các VASP tuân thủ chặt chẽ pháp luật một cách hiệu quả hơn.

Đại diện Remitano, một đơn vị VASP đã hiện diện hơn 10 năm cho biết đơn vị này mong muốn khung pháp lý tài sản ảo tại Việt Nam có thể được sớm hoàn thiện theo xu hướng chung của thế giới, đồng thời tạo điều kiện, ưu đãi chính sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản ảo có nhiều năm kinh nghiệm, uy tín trên thị trường. “Việc hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo điều kiện tích cực cho các VASP hoạt động và phát triển sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, đưa Việt Nam thành điểm đến công nghệ tại khu vực”, đơn vị này nhấn mạnh.

Kinh nghiệm quốc tế về VA và VASP

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về quản lý VA, VASP (Ảnh: HNV) 

VBA đã cung cấp một số thông tin pháp lý của một số quốc gia, xem đó như là các bài học kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam có thể tham khảo. Đơn cử, chính sách pháp lý tại Hoa Kỳ thể hiện ở các mốc thời gian cụ thể, tháng 3/2013, Cơ quan chống Tội phạm Tài chính (FinCEN) giải thích rằng, các sàn giao dịch tiền mã hoá là “Doanh nghiệp Dịch vụ Tiền tệ (MSB)” phải lưu giữ các tài liệu chứng minh danh tính của khách hàng. Đến "Thông báo 2014-21, " do Sở thuế vụ (IRS) phát hành ngày 25/3/2014 xác định, các loại tiền mã hoá như Bitcoin sẽ bị đánh thuế là tài sản chứ không phải là tiền tệ. Tiếp theo, tháng 11/2021, tiền mã hoá lần đầu tiên được đề cập đến trong luật pháp Hoa Kỳ, trong Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng do Tổng thống Joe Biden ký ban hành và được gọi là tài sản số (Digital Assets).

Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh, tuân thủ quy tắc Quy Tắc Trao Đổi Thông Tin Trong Giao Dịch (Travel Rule) theo hướng dẫn của Đạo luật Bảo mật Ngân hàng, do Cơ quan chống Tội phạm Tài chính (FinCEN) ban hành năm 2019 (tương tự Khuyến nghị 16 của FATF), gồm: Đăng ký giấy phép hoạt động và cung cấp dịch vụ. KYC và đánh giá rủi ro khách hàng. Lưu trữ hồ sơ giao dịch và báo cáo. Các quy định chống rửa tiền (AML) khác do Đạo luật Bảo mật Ngân hàng và các quy định liên quan. Các quy tắc khác tuỳ từng tiểu bang.

Với khu vực châu Âu, đạo luật quản lý thị trường tiền mã hoá đã được Nghị viện Châu Âu thông qua ngày 20/4/2023, công bố chính thức vào ngày 16/5/2023. Dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024. Ngày 19/8/2018 Nghị viện Châu Âu thông qua “Chỉ thị Chống rửa tiền thứ 5” (MLD5) tập trung vào tài sản ảo. Ngày 20/7/2021 - Ủy ban Châu Âu đề xuất MLD6 và áp dụng Khuyến nghị 16 của FATF đối với thị trường tiền mã hoá. Ngày 29/6/2022 - EU đạt được thỏa thuận tạm thời về đề xuất cập nhật Quy định 2015/847/EU về “Quy định chuyển tiền” (TFR). Ngày 20/4/2023 - Nghị viện Châu Âu phê duyệt MiCA và TFR sửa đổi, thiết lập khung pháp lý thống nhất cho tiền mã hoá ở EU nhằm tăng cường bảo vệ người dùng. Ngày 9/6/2023 - TFR được công bố trên Tạp chí chính thức của Liên minh châu Âu. Ngày 30/12/2024 - Quy Tắc Trao Đổi Thông Tin Trong Giao Dịch (Travel Rule) theo KN16 của FATF về tiền mã hoá sẽ có hiệu lực đối với tất cả CASP tại EU.‍

Tại Nhật Bản, Sở giao dịch tài chính (Financial Services Agency - FSA) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và giám sát các hoạt động liên quan đến tiền mã hoá, bao gồm hoạt động giao dịch và sàn giao dịch tiền mã hoá, ví điện tử, và các công ty liên quan. Một số luật quan trọng: Payment Services Act (PSA) - luật chính quy định các hoạt động liên quan đến thanh toán và tiền mã hoá ở Nhật Bản. PSA đã được sửa đổi để đưa tiền mã hoá và các công ty liên quan vào phạm vi quy định, yêu cầu họ đăng ký với FSA và tuân thủ các quy tắc an toàn và bảo mật. Financial Instruments and Exchange Act (FIEA): quy định các quy tắc cho giao dịch các tài sản tài chính, bao gồm tiền mã hoá trên các sàn giao dịch ở Nhật Bản. Các sàn giao dịch tiền mã hoá phải đăng ký và tuân thủ các quy tắc về bảo mật, quản lý rủi ro và báo cáo. Act on Prevention of Transfer of Criminal Proceeds (APTCP): Đây là luật phòng chống rửa tiền và chuyển giao tài sản từ hoạt động tội phạm. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hoá phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn lạm dụng tiền mã hoá cho mục đích rửa tiền hoặc tài trợ cho hoạt động phi pháp. Virtual Currency Act: Tập hợp các quy tắc đặc biệt áp dụng cho tiền mã hoá, đặc biệt là Bitcoin. Luật này yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hoá phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và tuân thủ luật phòng chống rửa tiền. Act on Fund Settlement: Quy định về việc sử dụng tiền mã hoá trong thanh toán và giao dịch hàng hóa và dịch vụ. Crypto Asset Exchange Service Providers Regulation: Áp dụng từ tháng 5/2020, tạo ra một hệ thống quy định dành riêng cho các nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tiền mã hoá, yêu cầu tuân thủ các quy tắc an toàn và bảo mật cụ thể.

Đối với các quy định AML/CFT tại Hàn Quốc, theo hướng dẫn của FATF, Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật báo cáo và sử dụng thông tin giao dịch tài chính cụ thể để yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phải đăng ký với cơ quan quản lý tài chính địa phương, Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC), trước khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Đạo luật sửa đổi cũng áp dụng quy tắc Quy Tắc Trao Đổi Thông Tin Trong Giao Dịch (Travel Rule) đối với việc chuyển tài sản ảo quốc tế trên 1 triệu won (~ 880 USD). FSC đã sửa đổi Đạo luật báo cáo và sử dụng thông tin giao dịch tài chính cụ thể (FTRA), vào tháng 3/2021, yêu cầu VASP phải đăng ký với Đơn vị tình báo tài chính Hàn Quốc (KoFIU) và tuân thủ nhiều đạo luật AML khác nhau, như nộp báo cáo về các giao dịch đáng ngờ và xác minh danh tính khách hàng của họ. Đạo luật về báo cáo và sử dụng thông tin giao dịch tài chính cụ thể cho biết, VASP phải đăng ký với Đơn vị Tình báo Tài chính Hàn Quốc (KoFIU) trước ngày 24/9/2021. Tháng 6/2023, thông qua “Đạo luật bảo vệ người dùng tài sản ảo". Nếu cá nhân hoặc doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt tiền và ngồi tù.

Tại Hồng Kông, tháng 6/2022, Uỷ ban Chứng khoán và Phái sinh Hồng Kông (SFC) đã công bố chế độ cấp phép bắt buộc đối với các nền tảng cung cấp dịch vụ tiền mã hoá, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2023 sau khi Dự luật AML/CFT (sửa đổi) năm 2022 được thông qua. Văn bản luật được ban hành và điều chỉnh đối với tài sản ảo và tiền mã hoá hướng tới 3 nhóm: Sàn giao dịch tài sản ảo (Virtual Asset Trading Platforms, VATP). Quản lý tài sản ảo (Virtual Asset Management) Các nhà cung cấp dịch vụ fintech/blockchain (General Fintech/Blockchain Services).

Còn tại Singapore, tháng 1/2019: Ban hành Đạo luật Dịch vụ Thanh toán (PSA), yêu cầu các doanh nghiệp tiền mã hóa phải có giấy phép từ Cơ quan tiền tệ (MAS). Tháng 6/2019: Cập nhật luật theo tiêu chuẩn FATF, bao gồm quy định về VASPs. Thông Báo PSN02: Ban hành tháng 12/2019, áp dụng từ 28/01/2020, yêu cầu các biện pháp kiểm soát AML/CFT cho dịch vụ DPT, bao gồm KYC và báo cáo giao dịch đáng ngờ. Tháng 7/2020: MAS công bố Bản tham vấn về Đạo luật Omnibus mới, mở rộng quyền lực và quyền hạn của MAS. Tháng 11/2020: Thông qua các quy định chặt chẽ hơn chống rửa tiền liên quan đến tài sản mã hóa. Tháng 1/2021: Sửa đổi Đạo luật Dịch vụ Thanh toán, mở rộng quyền quản lý của MAS. Tháng 10/2022: MAS đề xuất các biện pháp mới để giảm thiểu rủi ro người tiêu dùng từ giao dịch tiền mã hóa và nâng cao tiêu chuẩn cho các hoạt động liên quan đến stablecoin

Trong khi đó, quy định về AML/CFT ở Thái Lan được thiết lập qua Sắc lệnh Khẩn cấp về Kinh doanh Tài sản Số B.E. 2561 (2018), có hiệu lực từ 14/5/2018, nhằm kiểm soát tài sản số bao gồm tiền mã hóa và token số, xác định chúng là "tài sản số" chứ không phải là tiền tệ hợp pháp. Tháng 5/2018: Sắc lệnh Khẩn cấp về Kinh doanh Tài sản Số (Digital Asset Decree) B.E. 2561 có hiệu lực, quản lý tiền mã hóa và token số. Cùng tháng, Sắc lệnh về sửa đổi Luật Thuế (Revenue Code Amendment Decree) B.E. 2561, đánh thuế lợi ích từ tài sản số. Tháng 3/2022: Cấm sử dụng các tài sản số để thanh toán hàng hóa và dịch vụ từ 1/4/2022. 2023: Hạn chế dịch vụ cho vay và đặt cược tiền mã hóa trong lĩnh vực DeFi. Tháng 3/2023: Phê duyệt dự thảo Sắc lệnh Khẩn cấp miễn thuế cho các tổ chức phát hành và bán token đầu tư.

Thực trạng pháp lý quản lý tài sản ảo tại Việt Nam

 Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo (Ảnh: VBA)

Việt Nam là thành viên APG năm 2007 còn FATF thành lập năm 1989 trong khi APG hoạt động trên các tiêu chuẩn của FATF. Luật Phòng, Chống rửa tiền số 14/2022/QH15 do Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ 1/3/2023 trong khi đó Nghị định số 19/2023/ND-CP do Chính phủ ban hành 28/4/2023, quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền các quốc gia đang tích cực hợp tác với FATF để giải quyết những thiếu sót chiến lược trong cơ chế nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Bản thân Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” Điều 105.1 về Tài Sản trong Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13. Tài sản mã hoá bản chất là một loại quyền phái sinh từ một quyền tài sản gốc là quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu “bản quyền” chương trình tạo ra blockchain. Quyền phái sinh quyền tác giả trên là quyền trị giá được bằng tiền

Theo Quyết định số 194/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí huỷ duyệt hàng loạt, có 3 hành động liên quan đến VA, VASP gồm có: Hành động 6 (Lần đầu tiên định nghĩa tài sản ảo (VA) và nhà cung ứng dịch vụ tài sản ảo (VASP) được đưa vào văn bản chính thức tại Việt Nam. Xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với VA và VASP; Hành động 7 (Tiếp cận khu vực tư nhân thông qua các hoạt động tiếp cận cộng đồng. Đánh giá rủi ro ngành và các nghĩa vụ tuân thủ AML/CFT bằng các biện pháp trừng phạt tài chính và báo cáo giao dịch đáng ngờ. Đặc biệt tập trung vào ngành có rủi ro cao); Hành động 8 (Xây dựng cơ chế thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin về các chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả, có tính răn đe).

Gần đây nhất, Dự thảo chiến lược quốc gia về blockchain 2030 được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến ban hành 2024.

Trên cơ sở từ kinh nghiệp quốc tế và thực tiến tại Việt Nam, VBA đề xuất 3 kiến nghị, trong đó,

Thứ nhất, tích cực đề xuất các giải pháp và phối hợp với các Cơ quản quản lý, Hiệp hội nghề nghiệp trong các vấn đề hoạt thiện cơ sở pháp lý VA và VASP.

Thứ hai, hỗ trợ các hoạt động phổ biến nhận thức cộng đồng ở khối tư nhân như quyết định 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024, thông qua việc chuẩn bị các chương trình đào tạo cho khách hàng, chứng minh các qui trình tuân thủ và phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động bảo vệ lợi ích cộng đồng chống lừa đảo.

Thứ ba, cùng Hội nghề nghiệp chủ động sẵn sàng đóng thuế và đề xuất các giải pháp được đóng thuế để khẳng định vai trò của VA và VASP đóng góp vào nền kinh tế đất nước./.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực