|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Từng bước đáp ứng kịp thời tiến trình cải cách hiện đại hóa hải quan
Nếu như năm 2020, cơ quan hải quan thực hiện đánh giá tuân thủ và xếp hạng đối với 113.446 doanh nghiệp XNK thì đến năm 2023 con số này là 212.239 doanh nghiệp (tăng 87%), kết quả này đã góp phần đảm bảo hệ thống quản lý rủi ro phân luồng thông suốt đối với hàng triệu tờ khai XNK trên toàn quốc.
Theo Cục Quản lý rủi ro, công tác đánh giá tuân thủ đã từng bước đáp ứng kịp thời tiến trình cải cách hiện đại hóa hải quan, chuyển đổi phương thức quản lý hải quan từ quản lý từng giao dịch sang quản lý theo chuỗi cung ứng, dựa trên mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Trong đó đặc biệt là việc đáp ứng các yêu cầu về triển khai thực hiện Luật và các văn bản pháp luật liên quan; các chế độ, chính sách quản lý hải quan, tạo sự đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý hải quan.
Năm 2023, Cục Quản lý rủi ro đã chủ động lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý tuân thủ đảm bảo việc đánh giá tuân thủ, xếp hạng doanh nghiệp hoạt động XNK theo đúng quy định tại Thông tư 81/2019/TT- BTC ngày 15/11/2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, góp phần quan trọng đảm bảo phân luồng thông suốt đối với hơn 12,9 triệu tờ khai XNK trên toàn quốc.
Các hoạt động nghiệp vụ đảm bảo công tác quản lý tuân thủ như rà soát kết quả đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp, kỹ năng tổng hợp, thống kê báo cáo và phân tích số liệu tuân thủ của đơn vị ngày càng được nâng cao, cải thiện về chất lượng, hiệu quả. Việc tham mưu trả lời, giải đáp các vướng mắc về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, người dân luôn được đơn vị xử lý kịp thời, đúng quy định, đảm bảo thời gian cũng như tính minh bạch.
Trên cơ sở các giải pháp triển khai thực hiện Kế hoạch thu thập thông tin hàng năm của toàn ngành Hải quan cũng như công tác đầu mối phối hợp trao đổi thông tin với Tổng cục Thuế theo Quyết định số 2413/QĐ- BTC ngày 23/2017 về việc quy chế trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa cơ quan hải quan và cơ quan thuế, chất lượng thông tin doanh nghiệp phục vụ công tác đánh giá tuân thủ ngày càng được nâng cao về chất và lượng, phản ánh đúng tình trạng hoạt động và chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc đảm bảo công tác đánh giá tuân thủ, phân loại rủi ro đối với doanh nghiệp XNK, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo Tổng cục, Cục Quản lý rủi ro đã nghiên cứu và bước đầu tổ chức triển khai cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Hải quan theo Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ được Tổng cục Hải quan ban hành ngày 15/7/2022 đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, bước đầu đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Tính đến nay, Chương trình đã có 287 doanh nghiệp thành viên. Qua quá trình tham gia Chương trình, đã có 94 doanh nghiệp duy trì mức độ tuân thủ cao và cải thiện mức độ tuân thủ, vi phạm pháp luật hải quan của các doanh nghiệp thành viên giảm hẳn về số lượng cũng như tính chất sau khi được cơ quan hải quan hướng dẫn tự nguyện tuân thủ pháp luật.
Đánh giá tuân thủ đối với doanh nghiệp chưa sát với tình hình hoạt động XNK
Cũng theo Cục Quản lý rủi ro, ngoài các kết quả đã đạt được nêu trên, qua phân tích, đánh giá thực tiễn triển khai, công tác quản lý tuân thủ còn vẫn còn những tồn tại hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (cơ sở pháp lý, cơ chế tính điểm, bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ, bộ tiêu chí phân loại rủi ro...) như: Việc đánh giá tuân thủ đối với doanh nghiệp XNK chưa sát với tình hình hoạt động XNK của doanh nghiệp.
Cụ thể về đối tượng đánh giá: Hiện nay, việc đánh giá tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan được thực hiện đối với các doanh nghiệp đã từng hoạt động XNK, theo số liệu thống kê có hơn 200 nghìn doanh nghiệp được đánh giá tuân thủ. Tuy vậy, thực tế các doanh nghiệp không có hoạt động XNK chiếm hơn 50% trên tổng số doanh nghiệp đánh giá, điều này dẫn đến số liệu đánh giá tuân thủ không phản ánh đúng thực chất tình hình tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp có hoạt động XNK. Do vậy, cần xem xét điều chỉnh đối tượng đưa vào đánh giá tuân thủ pháp luật để phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Dự kiến có khoảng 100 nghìn doanh nghiệp sẽ được đưa vào đánh giá tuân thủ pháp luật, thay vì hơn 200 nghìn doanh nghiệp như hiện nay.
Về Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ đối với doanh nghiệp XNK chưa phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, như: Một số doanh nghiệp hoạt động XNK có số lượng kim ngạch XNK cao, tuy vậy không đáp ứng yêu cầu về số lượng tờ khai trong 365 ngày, dẫn đến khó khăn trong việc cải thiện mức độ tuân thủ ở mức cao hơn.
Một số doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền dưới 10 triệu đồng và bị đánh giá là không tuân thủ (Mức 5), tuy vậy các hành vi vi phạm là do doanh nghiệp tự phát hiện hoặc các hành vi khai sai nhưng không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp, ảnh hưởng đến trị giá hải quan, việc đánh giá này không phản ánh đúng hành vi không tuân thủ pháp pháp luật của doanh nghiệp.
Đồng thời việc phân loại mức độ rủi ro đối với doanh nghiệp XNK chưa phản ánh đúng thực chất, do đó ảnh hưởng đến cơ cấu hạng và tác động đến tỷ lệ phân luồng kiểm tra, cùng đó hiện chưa đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ.
Hiện nay, căn cứ pháp lý để triển khai Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ chỉ quy định tại Điều 20 Quyết định số 2218/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan. Đây là văn bản lưu hành nội bộ hướng dẫn công chức hải quan thực hiện trong khi Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ áp dụng đối với đối tượng là doanh nghiệp hoạt động XNK. Do đó, để đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ vững chắc triển khai chương trình sâu rộng và hiệu quả trong toàn quốc cần quy định cụ thể hơn chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ tại Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 của Bộ Tài chính.
Được biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý tuân thủ và khắc phục những tồn tại nêu trên Cục Quản lý rủi ro đã tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 của Bộ Tài chính về các nội dung như: đánh giá tuân thủ đối với doanh nghiệp XNK; sửa đổi, bổ sung nội dung phân loại mức độ rủi ro đối với doanh nghiệp XNK; sửa đổi, bổ sung nội dung Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ.