Đó là một trong những nội dung được Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại bản tin tổng hợp tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tháng 2/2023, nhận định tình hình tháng 3/2023.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO còn duy trì trong trạng thái La Nina trong tháng 3/2023. Không khí lạnh hoạt động với tần suất và cường độ giảm dần, tuy nhiên vẫn còn khả năng gây ra rét đậm tại các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Dự báo trong tháng 3/2023, tại khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ phổ biến từ 40-70mm, xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng vùng núi phía Đông Bắc Bộ thấp hơn khoảng từ 15-30% so với trung bình nhiều năm.
Khu vực Bắc Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 50-70mm, cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Trung và Nam Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 60-75mm, cao hơn từ 20-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tại khu vực Tây Nguyên, tổng lượng mưa phổ biến từ 40-70mm, cao hơn từ 30-60% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Nam Bộ vẫn có khả năng xuất hiện mưa dông trái mùa cục bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 30-60% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mùa mưa ở khu vực có khả năng bắt đầu sớm hơn so với trung bình hàng năm.
|
Sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 khu vực Bắc Trung bộ có khả năng thiếu nước cục bộ tại một số vùng (Ảnh minh họa: B.T) |
Theo Cục Thủy lợi, tại khu vực miền núi phía Bắc, dự báo đến cuối tháng 3/2023, dung tích trữ trung bình các hồ chứa dự kiến đạt từ 46-81% dung tích thiết kế. Tỉnh có dung tích trữ thấp nhất là Hòa Bình 46%, các tỉnh còn lại: Điện Biên 47%, Sơn La 66%, Yên Bái 81%, Tuyên Quang 65%, Cao Bằng 60%, Thái Nguyên 79%.
Tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, đối với khu vực lấy nước từ các hồ chứa thủy lợi, dự báo đến cuối tháng 3/2023, dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi trung bình khoảng 41-82% dung tích thiết kế, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023. Địa phương có dung tích trữ thấp nhất là Hà Nội 41%, các tỉnh còn lại: Phú Thọ 73%, Bắc Giang 67%, Quảng Ninh 76%, Ninh Bình 82%, Vĩnh Phúc 57%.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, hiện nay trong vùng đã bước vào sản xuất vụ Đông Xuân 2023. Dự báo đến cuối tháng 3/2023, dung tích trữ các hồ trung bình đạt 70% dung tích thiết kế (Thanh Hóa 64%, Nghệ An 79%, Hà Tĩnh 64%, Quảng Bình 85%, Quảng Trị 85%,…). Với tình hình nguồn nước như vậy, Vụ Đông Xuân 2022-2023, cơ bản đủ nước đảm bảo sản xuất, tuy nhiên một số khu vực có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ như: vùng sông Mã 2.000-3.500ha; vùng sông Lam 2.000-3.000ha.
Tại khu vực Nam Trung Bộ, vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn vùng sản xuất khoảng 363.000 ha lúa, màu và các cây hàng năm khác. Nhìn chung nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tại khu vực Tây Nguyên, vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn vùng gieo trồng khoảng 184.000 ha lúa, màu và các cây hàng năm khác. Nhìn chung tình hình nguồn nước cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước cục bộ có khả năng xảy ra tại các công trình hồ chứa, đập dâng nhỏ với tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng trên 500 ha.
Vùng ngoài công trình thủy lợi, dự báo diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước khoảng từ 3.000-4.000 ha thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Cao điểm hạn hán, thiếu nước vào giai đoạn từ tháng 3 đến cuối tháng 4. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán tương đương cấp độ I.
Đối với khu vực Đông Nam Bộ, hiện tại, khu vực đang giai đoạn mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 3 đạt khoảng 69% dung tích thiết kế. Với lượng nước trữ của các hồ chứa hiện tại và lượng mưa dự báo trong mùa khô tới đây thì nguồn nước cơ bản đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2022 – 2023. Tuy nhiên, cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho cả vụ Hè Thu 2023, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.
Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, về xâm nhập mặn trong tháng 3/2023, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/lít có khả năng xâm nhập đến 45-60 km. Tại một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 45km trở xuống.
Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4 g/lít lớn nhất vào tháng 3/2023, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 65-75 km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 65km trở xuống trong các kỳ triều cường.
Nhìn chung, một số thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, tuy nhiên, nguồn nước cơ bản vẫn đảm bảo để cung cấp phục vụ sản xuất cho vụ Đông Xuân 2022-2023./.