Xây dựng cơ chế về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất chuyên dùng

Thứ ba, 29/11/2022 17:56
(ĐCSVN) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Ảnh: TL)

Theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tình hình quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương, hiện nay, có 31/63 địa phương có quỹ nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà. Các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau (doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước) đang quản lý tổng số 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 23.706.619,0 m2, tổng diện tích sàn là 5.237.139,6 m2.

Theo Bộ Tài chính, quỹ nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở (nhà chuyên dùng, phục vụ mục đích cho thuê, kinh doanh) được hình thành từ việc tiếp quản các quỹ nhà sau giải phóng Thủ đô và giải phóng miền Nam, được tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý để cho thuê. Một phần nhà, đất được hình thành sau này do tiếp nhận quỹ nhà, đất dôi dư khi Nhà nước thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước hoặc tiếp nhận từ các chủ đầu tư để giữ lại, bố trí cho các đơn vị của tỉnh, thành phố sử dụng hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê để sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù pháp luật chuyên ngành có quy định về nguyên tắc quản lý chung cho tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nhưng chưa có quy định riêng đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng hiện đang được giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý nên thực tế các địa phương còn lúng túng trong quản lý, vận hành, khai thác và xử lý đối với quỹ nhà, đất này.

Trong khi đó, nhiều cơ sở nhà, đất sau khi thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý nhưng chưa thể xử lý được ngay do phải điều chỉnh quy hoạch, nếu không đưa vào khai thác sẽ bị bỏ trống, lãng phí trong khi nhu cầu thuê rất lớn, đặc biệt là cho thuê để thực hiện các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xã hội hóa.
Vì vậy, việc xây dựng cơ chế về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc xây dựng Nghị định này nhằm thiết lập hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất là tài sản công giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, góp phần quản lý chặt chẽ...

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, dự thảo Nghị định quy định các nguyên tắc phải tuân thủ trong quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là khẳng định: quỹ nhà, đất do UBND cấp tỉnh giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý là tài sản công và xác định UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý quỹ nhà, đất này ở địa phương. Cơ quan được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 14 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (chủ yếu là Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường) có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và phân công, phân cấp của UBND cấp tỉnh. Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất được giao theo quy định tại Nghị định này, đảm bảo duy trì và phát triển quỹ nhà, đất được giao, không làm thất thoát tài sản. Tổ chức, cá nhân được thuê nhà phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết; nộp tiền thuê đầy đủ, đúng hạn, trả lại nhà, đất khi hết thời hạn thuê hoặc để xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Mọi hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Liên quan đến hình thức quản lý, khai thác nhà, đất, dự thảo Nghị định quy định ba hình thức quản lý, khai thác nhà, đất gồm: cho thuê nhà; bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời; quản lý theo nguyên trạng trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào loại nhà, đất và yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn, địa phương sẽ quyết định hình thức cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nhất.

Về cho thuê nhà, cụ thể là phương thức cho thuê, dự thảo Nghị định quy định, việc cho thuê nhà (gắn liền với quyền sử dụng đất) của Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà phải thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ trường hợp cho các tổ chức hội đặc thù được Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ cơ sở vật chất thuê nhà; cho học sinh, sinh viên thuê ký túc xá; cho thuê nhà có giá trị tiền thuê dưới 10 triệu đồng/năm; cho thuê đối với nhà (gắn liền với đất) trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật; cho đối tượng đang thuê được gia hạn thời hạn thuê nhà. Các trường hợp này được áp dụng theo phương thức niêm yết giá hoặc chỉ định. Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà quyết định phương thức cho thuê đối với từng trường hợp cụ thể. Về thời hạn cho thuê, dự thảo Nghị định quy định tối đa là 5 năm. Trường hợp cho thuê đối với nhà (gắn liền với đất) trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật, thời hạn tối đa là 1 năm. Trường hợp gia hạn, thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn thuê lần đầu..

Đối với cho thuê nhà theo phương thức đấu giá, cụ thể về xác định giá khởi điểm, dự thảo Nghị định đưa ra 2 phương án, trong đó, phương án 1 là tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá xác định giá thuê nhà theo nguyên tắc phù hợp với giá cho thuê trên thị trường của tải sản cùng loại, có cùng diều kiện cho thuê tại địa bàn có nhà, đất. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định giá khởi điểm. Trong cơ cấu đơn giá thuê nhà phải xác định cụ thể mức tiền thuê đất của 01 m2 nhà. Phương án 2 là giá khởi điểm được xác định theo Bảng giá cho thuê nhà do UBND cấp tỉnh ban hành.

 
M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực