Xuất khẩu cà phê tăng 158,3% so với cùng kỳ

Thứ sáu, 22/12/2023 17:39
(ĐCSVN) - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 12/2023 tiếp tục tăng mạnh, đạt 95.482 tấn, tăng 158,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 12/2023 tiếp tục tăng mạnh (Ảnh: H.V)

Nửa đầu tháng 12, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 270,58 triệu USD, tăng 132,5% so với nửa đầu tháng 11/2023 và tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 11,5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,51 triệu tấn, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch đạt hơn 3,91 tỷ USD, tăng 2,5%.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong nửa đầu tháng 12/2023 đạt 2.834 USD/tấn, giảm 5,2% so với mức bình quân cả tháng 11/2023. Lũy kế 11,5 tháng năm 2023, đạt 2.590 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên thị trường hàng hoá phái sinh, giá xuất khẩu cà phê tiếp tục neo ở mức cao. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 21/12, giá cà phê hồi lại với mức tăng lần lượt 1,57% với Arabica và 3,28% với Robusta. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh tồn kho ở mức thấp và nông dân Brazil có xu hướng hạn chế bán cà phê đã hỗ trợ giá tăng trở lại.

Trong báo cáo về thị trường cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính tồn kho cà phê thế giới niên vụ hiện tại chỉ ở mức 26,5 triệu bao loại 60kg, giảm về mức thấp nhất trong 12 năm. Đồng thời, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU kết phiên 20/12 chỉ còn 33.910 tấn, giảm dần về mức thấp lịch sử 33.660 tấn vào cuối tháng 8.

Hơn nữa, chỉ số Dollar Index giảm 0,55% trong phiên hôm qua đã kéo theo tỷ giá USD/BRL mất đi 0,65%. Chênh lệch tỷ giá đi xuống làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (22/11), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt hồi phục 1.600 – 1.700 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 69.000 - 69.700 đồng/kg.

Nhiều thương nhân cho biết, vụ thu hoạch cà phê Robusta tại Việt Nam hiện đã hoàn thành khoảng 75% nhưng nông dân chậm bán vì tâm lý chờ đợi giá cao hơn đã đẩy giá cà phê trong nước tăng lên mức cao kỷ lục. Giá cà phê tươi hiện giao dịch quanh mức 15.000 đồng/kg - cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Nhằm hướng tới sản xuất và xuất khẩu cà phê bền vững, các địa phương đã đẩy mạnh sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế. Đơn cử, sản phẩm cà phê Gia Lai được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn tham gia Dự án thí điểm "Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam". Đây là cơ hội để sản phẩm cà phê của Gia Lai có thêm những điều kiện thuận lợi để tiến bước vững chắc, mạnh mẽ trên thị trường thế giới.

Đại diện một doanh nghiệp trồng cà phê tại huyện Đăk Đoa (Gia Lai) cho hay, muốn cà phê đứng vững trên thị trường quốc tế cần minh bạch vùng nguyên liệu, tập trung bảo vệ cho người nông dân canh tác hữu cơ, canh tác sạch, phát triển cà phê bền vững sẽ đem lại lợi ích cho người nông dân, doanh nghiệp và môi trường.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.200ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Mục tiêu đến giai đoạn 2026 - 2030, phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 2.300ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh.

N.Y

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực