Xuất khẩu rau quả có nhiều chuyển biến tích cực

Thứ ba, 07/02/2023 14:51
(ĐCSVN) - Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, cơ cấu chủng loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực khi tỷ trọng sản phẩm chế biến tăng.
 Xuất khẩu rau quả có nhiều chuyển biến tích cực (Ảnh: HNV)

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu chủng loại sản phẩm chế biến chiếm 29,47%, tăng 3,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Trong đó, các sản phẩm chế biến từ trái chanh leo dẫn đầu về trị giá, ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Tiếp theo là chủng loại chế biến từ trái dừa, trái cây các loại, hạt dẻ cười, dứa…

Trái cây tươi vẫn là chủng loại xuất khẩu chính trong cơ cấu hàng rau quả trong năm 2022, chiếm 61,02% tổng trị giá xuất khẩu. Đáng chú ý, riêng với thị trường Trung Quốc, đầu tháng 1/2023 xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này đã có tín hiệu tốt, bởi thị trường đã mở cửa trở lại giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này thuận lợi.

Hiện thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Do đó, các doanh nghiệp ngành rau quả cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới.

Riêng với thị trường EU, ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại EU cho hay, mỗi năm thị trường này nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang thị trường EU chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần mà thị trường này đang nhập khẩu. Trong cơ cấu rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU thời gian qua, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30% (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỷ trọng lớn).

Bộ Công Thương nhận định, do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe, vì vậy, lượng rau, quả tiêu thụ có xu hướng ngày một tăng tại EU. Tuy nhiên, thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về các truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm… để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục thị trường "khó tính" này.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực