|
Đường dây 500kV Bắc – Nam đi qua đèo Hải Vân (Đà Nẵng) |
Lúc 19h17phút ngày 27/05/1994, tại trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng, đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam đã được hòa lưới thành công và chính thức đi vào vận hành, đưa dòng điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Sự kiện này không chỉ xóa đi cái cảnh “hai tối, một sáng” mà còn mở ra một chương mới cho sự phát triển của Sở Truyền tải điện 1 nay là Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) nói riêng và cả hệ thống truyền tải điện Việt Nam nói chung.
Năm 1990, Sở Truyền tải điện 1 được thành lập quản lý vận hành gần 450 km đường dây 110 – 220kV, 1 trạm biến áp 220kV và 3 trạm biến áp 110kV từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ điện cho miền Trung nói riêng và cả nước nói chung đang còn thiếu trầm trọng. Những ai đã trải qua thời kỳ này đều không thể nào quên cái cảnh điện ngày có ngày không. Các nhà máy điện ở khu vực miền Bắc không phát hết công suất, có hiện tượng “thừa” điện trong khi khu vực miền Trung, miền Nam lại bị “khát điện”.
|
Công nhân Công ty Truyền tải điện 2 sửa chữa đường dây 500kV Bắc – Nam |
Tháng 4/1992 Chính phủ quyết định xây dựng hệ thống tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc – Nam. Ngày 4/3/1993 Bộ Năng lượng đã thành lập Ban chuẩn bị sản xuất đường dây 500 kV Bắc Nam đoạn Đèo Ngang - Trạm Pleiku. Theo đó đường dây 500 kV Bắc – Nam dài 1.487 km, điểm đầu là sân phân phối 500 kV nhà máy thủy điện Hòa Bình, điểm cuối là trạm biến áp (TBA) 500 kV Phú Lâm cùng với 05 TBA 500 kV tạo thành hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam.
Lúc này Sở Truyền tải điện 1 được giao nhiệm vụ chuẩn bị sản xuất đường dây 500 kV từ vị trí 955 đến vị trí 2307, dài 587 km; 2 trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng và Pleiku; hệ thống thông tin cáp quang có 9 trạm lặp; 121 nhà chốt bảo vệ dọc cung đoạn trên.
Công trình đã vượt qua bao nhiêu gian truân vất vả trong quá trình giám sát, nghiệm thu ở những vị trí đèo núi hiểm trở như các Đèo Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng, đèo Ngang, Lò Xo. Nếu nói công việc xây dựng đường dây 500 kV đạt kỷ lục thần kỳ về tiến độ thi công thì nhiệm vụ chuẩn bị sản xuất cũng phải theo tiến độ như vậy. Lãnh đạo Sở đã tập trung trí tuệ tập thể vừa tập trung trang bị cơ sở vật chất, vừa tuyển chọn nhân lực để tiếp quản vận hành được thực hiện với tinh thần khẩn trương đồng thời tổ chức các lớp đạo tạo kỹ sư, công nhân vận hành.
Sau khi đường dây 500kV Bắc Nam được đưa vào vận hành, năm 1995 Sở Truyền tải điện 1 (trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung) được chuyển thành Công ty Truyền tải điện 2 (Trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đến năm 2008 trực thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia). Có thể nói, đường dây 500kV Bắc - Nam chính là công trình mang lại hiệu quả cao nhất và điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển ngày càng vượt bậc của PTC2 nói riêng và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nói chung.
Những điểm nhấn trong quá trình quản lý đường dây 500kV
Trong quá trình quản lý vận hành đường dây 500kV Bắc Nam, PTC2 đã có hàng trăm đề tài khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hoá sản xuất. Đặc biệt Công ty đã mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới, đưa phương tiện hiện đại vào công tác sửa chữa đường dây 500 kV. Ngày 17/3/1996 lần đầu tiên tại Việt Nam, Công ty đã sử dụng máy bay trực thăng để sửa chữa dây cáp quang đường dây 500 kV. Ngày 9/9/2001, cũng là lần đầu tiên, Công ty đã áp dụng công nghệ sửa chữa đường dây 500 kV đang mang điện và đến nay đã nhiều lần Công ty tiến hành sửa chữa nóng đường dây 500 kV làm lợi cho Nhà nước hàng chục triệu kWh, trị giá hàng tỷ đồng.
|
Công nhân Công ty Truyền tải điện 2 sử dụng thiết bị bay UAV kiểm tra đường dây .
|
Hướng đến việc quản trị doanh nghiệp hiện đại theo tầm nhìn và sứ mệnh, PTC2 tiếp tục thực hiện chủ trương của EVN, EVNNPT về chỉ tiêu đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực truyền tải điện như: Ứng dụng các thiết bị bay không người lái, Camera giám sát công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, giám sát vận hành đường dây 500 kV, lưới điện thông minh, trạm biến áp không người trực, vệ sinh sứ hotline, định vị sự cố, giám sát dầu online, giám sát máy biến áp, quản lý thông tin bản đồ GIS, giám sát cảnh báo sét, thiết lập đường bay tự động, lắp đặt camera giám sát toàn hệ thống... để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, ổn định hệ thống truyền tải điện và nâng cao năng suất lao động; ứng dụng các phần mềm ERP, PMIS, E-QLDA trong điều hành sản xuất…
Đường dây 500kV song hành cùng sự phát triển của PTC2
Từ những năm đầu khi mới thành lập PTC2 chỉ quản lý 450 km đường dây 110 – 220kV, 4 trạm biến áp 110 - 220kV đến nay cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên địa bàn do PTC2 quản lý vận hành 2564,2km đường dây 500kV; 2212 km đường dây 220kV; 04 trạm biến áp 500kV tổng dung lượng 3000MVA; 18 trạm biến áp 220kV tổng dung lượng MBA 220kV 6250MVA và tổng dung lượng MBA 110kV 558MVA.
Nếu như năm 1990 sản lượng điện truyền tải cấp cho miền Trung - Tây Nguyên là 69,5 triệu kWh thì hết năm 2019 là 11,373 tỷ kWh, hết năm 2023 là 92,7 tỷ kWh.
Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm luôn đạt từ 15 – 20% và đây cũng là một tỷ lệ cao so với một số ngành khác. 30 năm qua, PTC2 đã đã có trên 230,8 tỉ kWh điện nhận cung cấp cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và truyền tải điện an toàn cho hai miền Nam – Bắc với tổng sản lượng điện 351,7 tỷ kWh.
Góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung Tây nguyên
Địa bàn hoạt động của PTC2 trải dài từ Quảng Bình đến Gia Lai, nổi tiếng các địa danh như đèo Ngang, sông Gianh (Quảng Bình) đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia (TTHuế), đèo Hải Vân (Đà Nẵng), Ngầm Xơi, Thác Nước (Quảng Nam), Đèo Lo Xo, Măng Đen, (KonTum); Vi ô Lắc (Quảng Ngãi) ... Bên cạnh đó, trong cung đoạn đường dây của PTC2 quản lý không chỉ gặp khó khăn về địa hình mà còn ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết, hằng năm địa gánh chịu các trận bão, lũ lớn gây nên nhiều thiệt hại cho lưới điện truyền tải.
30 năm vận hành đường dây 500kV của PTC2 đã không ngừng phát huy vai trò, hiệu quả to lớn trong việc truyền tải điện, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành miền Trung Tây nguyên. Thành quả đó là cả một quá trình phấn đâu tôi luyện của cả tập thể CBCNV PTC2 luôn phấn đấu vượt khó vươn lên, giữ vững dòng điện vận hành an toàn, xuyên suốt trong những năm qua.
|
Công đoàn Công ty Truyền tải điện 2 thăm hỏi người lao động.
|
Trong những năm qua, PTC2 đã đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động nắm bắt, làm chủ thiết bị, công nghệ đồng thời thực hiện các đề án phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực của EVNNPT. Không chỉ vậy, PTC2 luôn chú trọng quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất và sức khỏe cho người lao động. Tiền lương của CBCNV được đảm bảo, phù hợp với mức tăng năng suất lao động và chế độ tiền lương hiện hành của Nhà nước.
Chính quyền cùng Công đoàn, Đoàn thanh niên Công ty tổ chức nhiều hoạt động phong trào, an sinh xã hội, phụng dưỡng, hương khói các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm hỏi công nhân nhân Tháng công nhân và an toàn vệ sinh lao động, nhân dịp tết lễ... PTC2 đã đẩy mạnh việc tuyên truyền bộ tài liệu và thực thi Văn hóa EVN, EVNNPT trong đó mới đây là triển khai thực hiện Giá trị cốt lõi và chuẩn mực đạo đức Văn hóa EVN/EVNNPT.
Những thành công lớn của PTC2 có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty. Tinh thần đoàn kết, sự gắn bó chặt chẽ của các đơn vị, tổ chức đoàn thể, CBCNV PTC2 luôn phát huy tinh thần lao động sáng tạo, từng bước tháo gỡ mọi khó khăn, có nhiều giải pháp đột phá, tích cực, đồng bộ và có hiệu quả trong các cấp.
Năm 2024 là năm đánh dấu 30 năm vận hành đường dây 500kV và cũng là 34 năm PTC2 vững bước trưởng thành. Những thành quả của tập thể PTC2 đã góp phần chung để Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia hoàn thành tốt sứ mệnh của mình./.