9 tháng đầu năm 2023, Quản lý Thị trường Hà Giang xử phạt vi phạm, nộp ngân sách hơn 2 tỷ 144 triệu đồng

Thứ hai, 02/10/2023 16:02
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - 9 tháng đầu năm 2023, Quản lý Thị trường tỉnh Hà Giang đã kiểm tra, phát hiện 675 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, thương mại, dịch vụ, thị trường… Trong đó hoàn thiện hồ sơ 563 vụ việc, xử phạt gần 2 tỷ 144 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước.

Theo đánh giá của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, thị trường và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang tiếp tục phát triển và duy trì ổn định; các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực; các dịch vụ du lịch đã hoạt động khởi sắc trở lại và đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan; hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân được doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cung ứng đầy đủ, đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ; không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý…

 Lực lượng chức năng của Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang tiến hành tiêu hủy theo quy định đối với hàng hóa vi phạm 

Hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến không phức tạp. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang chưa phát hiện đường dây, ổ nhóm lớn và điểm tập kết hàng lậu...; các vụ việc vi phạm chủ yếu với mức độ nhỏ, lẻ về các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam, không rõ nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm trong lĩnh vực giá…

Trong 9 tháng đầu năm, Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã tiến hành kiểm tra 657 vụ, qua đó phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm hành chính 563 vụ, xử phạt gần 2 tỷ 144 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước (trong đó: xử phạt vi phạm hành chính là hơn 1 tỷ 864 triệu đồng; bán hàng hóa bị tịch thu được gần 280 triệu đồng); trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là hơn 1 tỷ 138 triệu đồng...

Nhìn chung, so với cùng kỳ này năm trước thì số lượng các vụ vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, thị trường… trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều giảm. Có được kết quả đó là do lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến 3.433 lượt người nghe, vận động được 594 cơ sở kinh doanh ký cam kết không vi phạm pháp luật. Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang cũng đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... trên địa bàn các huyện, thành phố.

 Quản lý thị trường Hà Giang tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn phân biệt hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đến người dân tại huyện Quản Bạ

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang cho biết: Dự báo tình hình thị trường cuối năm 2023 có diễn biến khó lường nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là thời điểm các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tập trung lượng lớn hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán sẽ là cơ hội thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoạt động mạnh. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hóa quá hạn sử dụng; các đối tượng bán hàng trên mạng lợi dụng trà trộn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử với các thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn... đòi hỏi lực lượng Quản lý thị trường phải thường xuyên nắm bắt tình hình, cài cắm nhân mối, quản lý địa bàn, liên tục kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm./.

Bài và ảnh: Diệu Thúy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực