Theo các chuyên gia, có thể xem xét sửa Luật 71/2014/QH13, phần liên quan đến mặt hàng phân bón theo hướng chuyển phân bón sang mặt hàng chịu thuế GTGT ở mức 5%. Đồng thời, sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết, bình ổn giá phân bón; tăng cường các chính sách hỗ trợ người nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, sử dụng phân bón hiệu quả, giảm chi phí phân bón.
Áp thuế GTGT với phân bón là phù hợp với xu hướng quốc tế
|
Cây ăn trái cần số lượng phân bón và tùy từng giai đoạn có sử dụng phân bón khác nhau (Ảnh: HNV) |
Thực tế cho thấy, Việt Nam áp dụng thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ phù hợp với xu hướng quốc tế và thấp hơn thuế suất thuế GTGT của các nước đang áp dụng trên thế giới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới (Trung Quốc, Brazil, Nga) đang áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón và áp dụng mức thuế suất đối với mặt hàng phân bón thấp hơn mức thuế suất so với các mặt hàng thông thường khác, nhằm giảm chi phí sử dụng phân bón, thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất phân bón nội địa, thúc đẩy đầu tư công nghệ tiên tiến sản xuất phân bón thông minh, thân thiện với môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Tại các quốc gia này, chính sách thuế GTGT được áp dụng phối hợp với các chính sách thuế xuất nhập khẩu khác để đem lại hiệu quả tổng thể. Cụ thể, tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất, tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới: Phân bón đang áp dụng mức thuế GTGT 11%. Tại Nga, một trong số các quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới: Phân bón đang áp dụng mức thuế GTGT 20%. Nga cũng có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư công nghệ thân thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, trong đó có việc hỗ trợ miễn hoặc giảm thuế cho các dự án đầu tư vào công nghệ mới. Có thể thấy, tại một số quốc gia như Trung Quốc, Brazil, Nga, Đức, nhiều chính sách được thực thi nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành phân bón, đặc biệt là các chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đầu tư các sản phẩm áp dụng công nghệ mới. Việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (thông thường là 10%), có tác dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả của dự án đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất phân bón.
Căn cứ vào khoản 1, Điều 3 của Luật Thuế số 71/2014/QH13, phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp... là những mặt hàng không chịu thuế GTGT, có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Tuy nhiên, sau 9 năm triển khai thực hiện việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng áp dụng thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT đã nảy sinh một số bất cập ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón trong nước, sụt giảm dự án đầu tư mới nhằm đổi mới công nghệ sản xuất phân bón và sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, phân bón hiệu suất cao gồm:
Thứ nhất, toàn bộ thuế GTGT đầu vào của nguyên liệu, dịch vụ phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành và giá bán phân bón. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, tính vào chi phí giá thành sản xuất phân bón từ năm 2015 đến năm 2022 đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Thứ hai, sụt giảm đầu tư của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, do hai lý do: i) do toàn bộ thuế GTGT đầu vào của hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ không được khấu trừ, dẫn đến suất đầu tư tăng, giảm hiệu quả đầu tư; ii) việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sụt giảm. Điều này dẫn đến rủi ro cho sự phát triển của ngành phân bón trong nước, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam khi công nghệ sản xuất phân bón trong nước lạc hậu do thiếu đầu tư, chi phí giá thành sản xuất phân bón trong nước cao do gánh phần thuế GTGT đầu vào, người tiêu dùng phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Trước tháng 1 năm 2015 khi Luật 71 có hiệu lực, tổng cộng các dự án đầu tư cho phân bón có công suất 3,5 triệu tấn/năm, sau thời điểm trên tổng công suất đầu tư mới chỉ là 370.000 tấn.
Thứ ba, đó là khi áp dụng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT dẫn đến sự cạnh tranh không song phẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu.
Áp thuế cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên
|
Phòng điều khiển trung tâm tại Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau (Ảnh: HNV) |
Quá trình tác nghiệp thực địa tại hai địa bàn Cà Mau và Cần Thơ vừa mới đây cũng cho thấy, cần có cách nhìn đa chiều trong áp thuế GTGT, trong đó cần phân tích việc áp thuế phải bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên trong đó, cần chú ý nhất tới lợi ích của nông dân. Về cơ bản, đa số các ý kiến chúng tôi ghi nhận đểu ủng hộ chủ trương và chính sách thuế, đặc biệt đều chung mong muốn giá cả phân bón nói riêng và vật tư đầu vào nông nghiệp nói chung ở mức phù hợp, ổn định, đảm bảo lợi ích tối đa cho bà con nông dân.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lý giải: "Thuế GTGT là vấn đề nóng và dư luận đặc biệt quan tâm tới thuế phân bón, trước năm 2014 đánh thuế là 5%-10%, bình quân cả nước 9,7%. Chính sách là tốt, nhưng sau 1 năm - từ 1/1/2015 đến 2016 thì giới nghiên cứu qua phân tích thực tế nhận thấy, điều này cản trở sản xuất phục vụ nông nghiệp vì lý do không đánh thuế GTGT thì phần GTGT đầu vào của vật tư nông nghiệp không được hỗ trợ, toàn bộ được tính vào giá thành sản xuất và đầu ra không tính, không chỉ cản trở doanh nghiệp mà còn nguy hại đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất vật tư thiết bị nông nghiệp trong nước. Với doanh nghiệp nước ngoài, họ được khấu trừ thuế GTGT ở các nước 15-20% mà đến Việt Nam không bị đánh thuế, không thấp hơn giá niêm yết mà dựa vào thị trường Việt Nam để bán, nhưng về thực tế, họ được hưởng lợi trong khi nông dân vẫn bị thiệt thòi. Do đó, chúng tôi đề xuất mức phù hợp và đề nghị phải áp dụng 5% mà không dừng ở mức 0%, vì nếu để mức đó không có khấu trừ đầu vào, nhưng nếu 10% thì cao quá chắc chắn làm giá vật tư nông nghiệp gia tăng. Theo tính toán, giá trị khấu trừ đầu vào khoảng trên 3,8% nên có thể đề xuất mức 5%...".
"Đánh thuế GTGT với vật tư nông nghiệp nói chung thì đối với Nhà nước, với doanh nghiệp và người nông dân có tác động như thế nào: lợi cho doanh nghiệp sản xuất (khấu trừ đầu vào có lợi nhuận cao, có cơ hội nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nghiên cứu thay thế phân vô cơ bằng hữu cơ… giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp tốt nhất), giá thành sản xuất thấp hơn thì giá bán sẽ giảm hoặc không giảm mà vẫn như giá hiện nay thì doanh nghiệp có thêm lợi nhuận để đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ mới, sản phẩm mới…” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Phân tích thêm, PGS.TS Thịnh chỉ ra, nguyên tắc áp thuế tăng giá thị trường nhưng thực tế không hề tác động đến doanh nghiệp nước ngoài mà còn đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng. Với nông dân, về nguyên tắc có thể giá cao hơn nhưng không đáng kể hoặc giá vẫn ổn định vì mức khấu trừ đầu vào chỉ trên 3,8%. Giá của phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật… có thể không tăng hoặc tăng ít, không ảnh hưởng nhiều. Với Nhà nước thì quản lý đảm bảo công bằng hơn đối với sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài.
“Theo số liệu chúng tôi nắm bắt, sản xuất trong nước hiện 9 triệu tấn, xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn/năm, còn doanh nghiệp nhập khẩu 3,3 triệu tấn/năm thì với việc áp thuế này, chúng ta có thêm ngân sách, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ gián tiếp thông qua đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sá giao thông, trạm điện, giống cây con… hỗ trợ bà con nông dân và nông nghiệp hội nhập hiện nay. Rõ ràng, áp thuế vừa có lợi cho sản xuất cho doanh nghiệp và nông dân” - Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh phân tích chi tiết.
Về phía Hội Nông dân cơ sở, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Cần Thơ nhận định: Thực ra, Đảng Nhà nước và đặc biệt là Chính phủ hiểu rất rõ về vị trí vai trò Hội Nông dân và giai cấp nông dân, cũng như hiểu, nắm bắt cho nông dân khi sản xuất giá vào cao, giá ra không ổn định, thậm chí còn bấp bênh và quá trình sản xuất của nông dân rủi ro do thời tiết thiên tai, có khi được mùa lại rớt giá, do đó, cần ưu tiên tới nông dân nhiều hơn vì họ là lực lượng sản xuất nông nghiệp chính.
|
Nông dân HTX trồng cây ăn trái Trường Khương A, Cần Thơ thu hoạch trái vú sữa (Ảnh: Chương Nguyễn) |
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX trồng cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết: "Giá phân bón hiện nay đang chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất, do đó, về mặt chính sách thuế, chúng tôi không hiểu biết quá nhiều, chúng tôi chỉ quan tâm, người nông dân được hưởng lợi gì từ chính sách đó, đảm bảo giá cả đầu vào hợp lý và ổn định, góp phần hạ giá thành sản xuất và đảm bảo ổn định giá thành sản xuất. Chúng tôi chỉ có nhu cầu lâu dài giá phân bón giảm để yên tâm sản xuất, năng suất cao giá thành sản phẩm cao".
Ông Huỳnh Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau chia sẻ thêm, đặc thù của đất Cà Mau không thể áp dụng cơ giới hóa toàn bộ mà vẫn phải làm thủ công, khiến giá thành sản xuất cao hơn so với vùng sản xuất cơ giới hóa, do đó, lợi nhuận của bà con có thấp hơn. Năm nay, lợi nhuận của bà con còn thấp hơn, do giá phân bón ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất của bà con. “Về lý thuyết, tăng thuế 5% thì người nông dân có lợi, tuy nhiên, đặt ngược lại, khi thị trường đầu vào phân bón tăng lên, nhất là thị trường phụ thuộc vào nước ngoài, thì người nông dân sẽ không được hưởng lợi nhiều. Do đó, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có chính sách can thiệp, hỗ trợ nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên, với mục tiêu chính người nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau cho hay./.