Bài 1: Đổi mới không ngừng, phát triển bền vững

75 NĂM THÀNH LẬP TỈNH VĨNH PHÚC (12/02/1950 - 12/02/2025)
Thứ tư, 18/12/2024 15:43
(ĐCSVN) - Từ một tỉnh thuần nông (thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997), đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, là một trong số ít các địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp và tổng thu ngân sách nội địa cao nhất. Đây chính là nền tảng, động lực để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vững vàng cùng các địa phương trên cả nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Bài 2: Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch hàng đầu

Vùng đất cội nguồn, phát tích của dân tộc

Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước bền bỉ của dân tộc, nơi đây đã diễn ra những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, hết thế hệ này đến thế hệ khác chống lại thiên tai và giặc dã để sinh tồn và phát triển, góp phần làm nên một nền “Văn minh sông Hồng” rực rỡ.

Không chỉ tự hào là cội nguồn, là đất phát tích của dân tộc, mà bất kỳ ở giai đoạn lịch sử nào, Vĩnh Phúc cũng có những đóng góp quan trọng vào sự sinh tồn của dân tộc, tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, để lại dấu ấn đậm nét trong thiên nhiên, trong sinh hoạt xã hội, trong tính cách con người Vĩnh Phúc. Cho đến nay, vùng đất Vĩnh Phúc vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long, của nền văn hóa dân gian đặc sắc, của khoa bảng, với lối sống xã hội và chuẩn mực đạo đức luôn được giữ gìn và phát huy.

Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên vào ngày 12 tháng 2 năm 1950; năm 1968, Vĩnh Phúc được sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Lúc sinh thời, Bác Hồ đã 8 lần về thăm, động viên, khen ngợi tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nơi đã đề ra chủ trương “khoán hộ” trong sản xuất nông nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước. Để từ đó, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới quản lý kinh tế trong sản xuất nông nghiệp vào năm 1988.

Sau 29 năm hợp nhất, đến năm 1997, Vĩnh Phúc được tái lập. Dù qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, nhưng ở thời kỳ nào Vĩnh Phúc cũng đều có những đóng góp to lớn, làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc. Những truyền thống quý báu đó là những giá trị bền vững để Nhân dân Vĩnh Phúc viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên hơn 1,2 km2, dân số trên 1,2 triệu người. Từ một tỉnh nghèo với 90% dân số làm nông nghiệp với thu ngân sách chỉ được hơn 100 tỷ đồng, nhưng nhờ nhất quán với con đường đổi mới và tinh thần dám nghĩ, dám làm của các thế hệ lãnh đạo qua nhiều nhiệm kỳ đã đưa Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp, khi tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn hơn 6,6% trong cơ cấu kinh tế. Vĩnh Phúc luôn nằm trong TOP các địa phương trong cả nước có số thu cao nhất và cũng là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,48%. Đặc biệt, với nhiều chính sách đột phá, Vĩnh Phúc luôn là điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Với sự quyết tâm và đồng lòng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, từng bước khẳng định và nâng cao vị thế so với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.

Những giá trị lịch sử và truyền thống là động lực mạnh mẽ để đất và người nơi đây không ngừng khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo, giúp nhau tiến bộ trong lao động sản xuất của người dân Vĩnh Phúc, đồng thời đó cũng là nền tảng, là niềm tin, động lực và khát vọng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII,  phấn đấu đưa quê hương Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước.

Đổi mới không ngừng, phát triển bền vững

Trải qua hành trình 75 phát triển, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển, trong đó ngay từ Đại hội XII (1997) đã xác định: Tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức.

Một góc đô thị Vĩnh Phúc hôm nay 

Với sự nhất quán trong chủ trương cùng tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, bằng nhiều giải pháp, chính sách đột phá, Vĩnh Phúc ngày càng vươn lên phát triển mạnh mẽ.

- Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Từ khi tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ với nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 13,42%/năm; năm 2024 ước đạt 7,52%, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2023, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng/người/năm (năm 1997 quy mô nền kinh tế mới chỉ đạt 1,95 nghìn tỷ đồng; giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 2,18 triệu đồng theo giá hiện hành). Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự tăng nhanh tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do chủ trương tập trung thu hút phát triển công nghiệp và đầu tư nước ngoài. Đồng thời, với chủ trương chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được triển khai mạnh mẽ nên tỷ trọng khu vực nhà nước giảm; khu vực ngoài nhà nước được quan tâm và hoạt động ngày càng hiệu quả. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2024 ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62,37%; ngành dịch vụ chiếm 30,88%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,75% (năm 1997 cơ cấu kinh tế lần lượt là: 18,4%, 36,47%, 45,13%).

- Thu, chi ngân sách cao: Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến nay Vĩnh Phúc là một trong số những tỉnh, thành có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Năm 1997, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 114 tỷ đồng; đến năm 2002 vượt mốc 1 nghìn tỷ đồng; từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2014 vượt 20 nghìn tỷ đồng; năm 2016 vượt mốc 30 nghìn tỷ đồng; đặc biệt năm 2022 đạt cao nhất hơn 40 nghìn tỷ đồng; năm 2024 ước đạt 30,468 nghìn tỷ đồng. Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương trong nhiều năm qua.

- Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp là điểm nhấn: Tỉnh luôn xác định tâp tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng cao, liên tục qua các năm, ước năm 2024 tăng 11,3% so với năm 2023.

Xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để tỉnh phát triển, do đó, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá, trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; duy trì thực hiện tốt chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần”; triển khai các nội dung hợp tác với tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Pernik (Bungari), vùng Toscana (Italia), ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Signetics; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư tại tỉnh, như: Tập đoàn Young Poong, Quỹ đầu tư META, Công ty Grandway Singapore...

Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp với quy mô 50ha (khu công nghiệp Kim Hoa) vào năm 1998, đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích là 3.142,96 ha, trong đó 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 3 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng. Do đó, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng cao. Năm 1998 toàn tỉnh chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI. Đến năm 2024, các khu công nghiệp có 495 dự án, gồm 119 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư 38.882,61 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 6,8 tỷ USD; có 415 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (337 dự án FDI và 78 dự án DDI), chiếm 83,8% tổng số dự án đầu tư.

Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng thu hút đầu tư 

Một số nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước đã tìm hiểu môi trường đầu tư, bất động sản công nghiệp và có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết Netzero, đầu tư xanh với tỉnh Vĩnh Phúc như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; chuỗi giá trị về sản xuất linh kiện, điện tử có Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc và một số nhà đầu tư khác như Công ty Cổ phần T&Y SuperPort, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Amanta, Tập đoàn Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ... Những lĩnh vực này phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương. Đặc biệt, công ty Cổ phần Signetics đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CNC Tech về việc triển khai dự án Nhà máy bán dẫn tại tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD; Công ty TNHH Polaris Việt Nam có tổng mức đầu tư hơn 40 triệu USD với mục tiêu tập trung sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe có động cơ khác đã chính thức khánh thành, công suất dự kiến khoảng 30.000 sản phẩm/năm. Đây là một bước đột phá trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh.

Phát triển nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất hàng hóa: Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo, đột phá, đi tiên phong trong cả nước như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 01-11-2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001- 2005; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/12/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020... Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Chăn nuôi đã thực sự trở thành mũi nhọn, đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp dần thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đã và đang thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; cơ giới hóa được tăng cường áp dụng trong sản xuất. Tỉnh đã xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Dưa chuột An Hòa (Tam Dương), su su Tam Đảo, thanh long ruột đỏ (Lập Thạch)...

Chương trình xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm, đạt những kết quả quan trọng. Năm 2019, đã có 112/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Yên Lạc và Bình Xuyên), 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Vĩnh Yên và Phúc Yên). Dự kến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 200 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 13 thôn đạt chuẩn nông thôn mới thông minh, 42 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 12 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, 01 huyện đạt nông thôn mới nâng cao (huyện Yên Lạc); có 141 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên.

Cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.

Trong phát triển giáo dục và đào tạo, những năm đầu tái lập tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo gặp nhiều khó khăn, thách thức, đội ngũ giáo viên của tỉnh còn thiếu, cơ sở vật chất trường, lớp còn nghèo nàn, lạc hậu (năm học 1998-1999 toàn tỉnh mới có 37% phòng học cao tầng). Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo của tỉnh đã phát triển theo hướng đổi mới, chất lượng được giữ vững, ổn định ở mức cao. Mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh đã và đang được hoàn thiện, phát triển, phân bố đều khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh, được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng hiện đại. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm, năm 2024, có 73,62% số trường mầm non, 68,49% trường tiểu học, 71,23% trường trung học cơ sở; 68,72% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng dạy và học ở các cấp tiếp tục được nâng lên; hai năm liên tiếp (năm học 2022-2023, 2023-2024) tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ nhất toàn quốc về điểm trung bình chung các môn thi tốt nghiệp THPT; học sinh của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được thực hiện tốt. Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được khẳng định là chủ trương đúng và đạt kết quả tốt…

Giáo dục Vĩnh Phúc giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc 

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, hoàn thiện theo chuẩn quốc gia. Hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ người bệnh. Nhiều công trình y tế lớn được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện; 100% trạm y tế xã có bác sỹ và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Ước đến năm 2024, số bác sỹ/vạn dân đạt tỷ lệ 16,9 bác sỹ/vạn dân; số giường bệnh/vạn dân đạt tỷ lệ 43,6 giường bệnh/vạn dân; 95,6% người dân được theo dõi, quản lý sức khoẻ; tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế đạt hơn 95%.

Công tác an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực và đạt kết quả, hiệu quả thiết thực. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Các đề án, chính sách dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đến cuối năm 2011, tỉnh đã cơ bản xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo, không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) toàn tỉnh giảm còn 0,44%, không có hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,8%; tỷ lệ lực lượng trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45,52%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 39,5%.

Với những thành tích xuất sắc đạt được, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2) năm 2015, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2017, chương Lao động hạng Nhất năm 2020 (lần 2) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong 75 năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng với cả nước trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc dù ở giai đoạn nào cũng luôn phát huy truyền thống, tranh thủ lợi thế, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đó là tiền đề để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng quê hương Vĩnh Phúc “Thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh năm 1963./.

Ngọc Ánh - Hoàng Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực