Bài 1: Thành tựu và những vấn đề đặt ra đối với “Tam nông” ở Quảng Nam

“Tam Nông” ở Quảng Nam- Những vấn đề đặt ra
Thứ tư, 03/05/2023 16:02
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bộ mặt nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp, đời sống nông dân tỉnh Quảng Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với nhiều thay đổi ngày càng sâu sắc, văn minh, hiện đại.

Bài 2: Đổi mới tư duy trong “Tam nông” ở Quảng Nam

Bài 3: Xây dựng Nông thôn mới ở miền núi không có điểm kết thúc

Mô hình thí điểm sản xuất lúa ST25 sử dụng phân bón hữu cơ tại Hội Nông dân Quảng Nam. 

Đánh giá những thay đổi, chuyển biến này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay địa phương vẫn duy trì và giữ vững được tốc độ tăng trưởng ổn định, đặc biệt năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng và có tốc độ tăng trưởng suy giảm, riêng ngành Nông nghiệp vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng (+3,5%); kinh tế nông thôn có nhiều bước phát triển; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt một số kết quả quan trọng….

Đồng chí Phạm Viết Tích- Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn NTM, đạt 63,9% (cả nước tỷ lệ bình quân là 73,08%), có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 5,15%(cả nước là 11,7%), trong đó xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (cả nước có 113 xã); các đơn vị cấp huyện gồm Phú Ninh, Duy Xuyên đạt chuẩn NTM và TP Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt tỷ lệ 22,2% (cả nước đạt 39,6%); có 211 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu hoặc NTM.

Bên cạnh đó, qua 05 năm (2018-2022) triển khai thực hiện chương tình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), toàn Quảng Nam có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 275 sản phẩm 03 sao, 58 sản phẩm 4 sao (gồm 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Đây là những cố gắng, nỗ lực cao để từng bước đưa sản phẩm có giá trị, thương hiệu ra thị trường với nhiều kênh phân phối mà Quảng Nam đang tích cực triển khai.

Từ những chuyển biến kể trên đã góp phần đưa thu nhập của người dân khu vực nông thôn tỉnh Quảng Nam không ngừng nâng cao, đạt 43 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 4,2 lần so với năm 2010 và gấp 2 lần so với 2015). Kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh cũng phát triển nhanh và từng bước hoàn thiện, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phục vụ sản xuất, đời sống xã hội, sinh hoạt của người dân, vừa tạo sự khang trang, từng bước hiện đại hoá nông thôn.

Đặc biệt, đến nay Quảng Nam đang tập trung bố trí sắp xếp dân cư miền núi gắn với xây dựng NTM, hình thành nhiều khu dân cư khu vực núi cao đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, sản xuất ổn định cho đồng bào dân tộc đạt kết quả cao.

Chuyển đổi cây trồng nhằm đa dạng các sản phẩm, qua đó tạo ra
giá trị sản xuất cao hơn trên cùng diện tích sản xuất của nông dân Quảng Nam. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập; nhiều vấn đề đặt ra cần phải được giải quyết. Trong đó, đáng chú ý nhất là nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành còn chậm (lâm nghiệp, thuỷ sản), chưa tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế, ở quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết. Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học còn yếu dẫn tới thực trạng nền sản xuất giá trị thấp, nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn hạn chế, chưa tạo sự đột phá, chưa thúc đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hoá có chất lượng. Các cơ chế, chính sách liên quan đến tập trung, tích tụ đất đai chậm đổi mới và điều chỉnh để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Trong khi đó, theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam Phạm Viết Tích, ở khu vực nông thôn của tỉnh, ngành nghề phát triển còn chậm, quy mô còn nhỏ. Các cấp chính quyền và người dân địa phương tuy có cố gắng tạo ra các sản phẩm OCOP nhưng có sản phẩm nổi bật mang tính hàng hoá lớn, các sản phẩm phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế. Chất lượng đào tạo, việc làm ổn định, lao động có tay nghề cao chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, lâm nghiệp vẫn còn yếu kém, đặt biệt là ở khu vực miền núi. Hạ tầng công nghiệp dịch vụ nông thôn chưa đạt yêu cầu đề ra để thu hút lao động, giảm lao động trong nông nghiệp.

 Qua quy hoạch các khu dân cư tập trung, Quảng Nam tạo điều kiện cho nông dân
các địa bàn miền núi cao có cuộc sống ổn định, an toàn và thuận lợi để sinh hoạt, sản xuất.

Bên cạnh hạn chế đặt ra đó, vệ sinh môi trường nông thôn cũng là vấn đề cần quan tâm, bởi khá nhiều nơi còn chưa đảm bảo; tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngày càng có biểu hiện gia tăng tại các vùng ven đô thị và khu, cụm công nghiệp; vẫn còn tồn tại việc lạm dụng nhiều phân bón, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng… trong nông nghiệp.

Trong điều kiện đó, công tác chỉ đạo, điều hành ở một số địa phương trong việc triển khai thực hiện phát triển kinh tế nông thôn chưa thật sự quyết liệt, chưa có nhiều mô hình hiệu quả, đột phá. Đặc biệt, khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo và điều kiện hạ tầng còn thiếu; vẫn còn tình trạng phân bố dân cư không tập trung dễ bị ảnh hưởng của thiên nhiên, đi lại khó khăn….

Trên lĩnh vực nông dân, theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhanh (còn 9,47% theo chuẩn nghèo đa chiều) nhưng ở khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao, đặc biệt là tại các huyện miền núi cao (trên 42-66%). Đời sống văn hoá, tinh thần của cư dân nông thôn hiện mặc dù có những cải thiện đáng kế nhưng với tác động của mặt trái cơ chế thị trường, các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp ở cộng đồng dân cư có nguy cơ ngày càng mất dần, tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, đang có biểu hiện gia tăng ở một bộ phận người dân, nhất là trong giới trẻ. Mô hình gia đình truyền thống dần bị mai một, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của cộng đồng; tệ nạn xã hội ngày càng xâm nhập sâu vào khu vực nông thôn.

“Đây đang là những vấn đề lớn, có tính cấp thiết cần đặt ra đối với các cấp, các ngành địa phương và của xã hội, đòi hỏi sớm có giải pháp thiết thực và có sự vào cuộc của cả xã hội, của mỗi người dân để cùng chính quyền, ngành chức năng xử lý, qua đó tiếp tục tạo nên những chuyển biến mới, tích cực, toàn diện, góp phần làm thay đổi đời sống, bộ mặt khu vực nông thôn, nông dân, nông thôn của tỉnh phát triển đúng như tinh thần các nghị quyết, chỉ đạo có liên quan mà Trung ương, tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã đặt ra”- đồng chí Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam khẳng định./.

Bài, ảnh: Đình Tăng- Trọng Đức- Anh Tuấn - Bích Phượng - Phương Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực