Bài 2: Đẩy mạnh phát triển sản xuất muối có quy mô công nghiệp bền vững

* Phát triển nghề muối Việt Nam trong giai đoạn mới
Thứ năm, 04/04/2024 23:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, sản xuất muối ở quy mô công nghiệp tập trung ở 8 đồng muối thuộc 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Diện tích sản xuất năm 2021 là 3.519 ha, chiếm 30,88% diện tích sản xuất muối cả nước. Sản lượng muối trung bình từ 250.000 - 350.000 tấn/năm. Các đồng muối quy mô công nghệp này do các nhà máy chế biến muối sở hữu, vận hành sản xuất.

Bài 1: Nghề muối - Nhiều tiềm năng nhưng gặp khó

Hiện nay, cả nước có 73 cơ sở chế biến muối tinh, muối trộn i-ốt, muối sạch xuất khẩu... Trong đó, 13 cơ sở chế biến muối (chiếm 19,7%) đã đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công suất 15.000 - 22.000 tấn/năm và 01 cơ sở đã đầu tư 02 dây chuyền thiết bị đồng bộ nhập khẩu của Tây Ban Nha có công suất 200.000 tấn/năm. Các cơ sở này có cơ sở vật chất tương đối đồng bộ đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nên chất lượng muối chế biến được nâng cao và mang lại hiệu quả trong sản xuất chế biến muối.

Việc ban hành, thực hiện các chính sách đã và đang tác động tích cực đến phát triển sản xuất, chế biến muối (Ảnh: PV)

Số cơ sở chế biến còn lại quy mô nhỏ (chiếm 80,3%) có vốn điều lệ thấp (dưới 10 tỷ đồng), công nghệ sản xuất gián đoạn, máy móc, thiết bị chủ yếu được chế tạo ở trong nước, thiết bị thường dùng là máy nghiền trục, nghiền búa, nghiền cối xay và ly tâm gián đoạn nên chất lượng muối chế biến không ổn định, phụ thuộc vào chất lượng muối nguyên liệu và tỷ lệ thu hồi muối trong chế biến thấp, dưới 80%.

Để thúc đẩy phát triển ngành muối, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/1999/QĐ-TTg ngày 15/7/1999 về một số chính sách phát triển muối; Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020 nhằm khuyến khích phát triển ngành muối theo hướng công nghiệp và hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để mặt hàng muối có thể cạnh tranh, đáp ứng thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, giúp người làm muối có cuộc sống ổn định và tăng thu nhập.

Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 04/5/2017 về quản lý sản xuất, kinh doanh muối, công tác quản lý sản xuất, kinh doanh muối. Nghị định đã được tiến hành tại các tỉnh sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu muối. Sản lượng muối đã đáp ứng được nhu cầu dân sinh; chế biến thực phẩm; công nghiệp hóa chất; ngoài ra còn phát triển một số sản phẩm từ muối liên quan đến sức khỏe, làm đẹp.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu: Phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.

Sản phẩm muối của các doanh nghiệp chế biến đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt cho nhu cầu của người tiêu dùng và một phần cho xuất khẩu (Ảnh: PV)

Triển khai thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-BNN-KTHTngày 24/02/2021 về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra Bộ còn triển khai xây dựng thí điểm Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành hàng muối Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Đề án được thực hiện trên địa bàn của 08 tỉnh (Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu).

Có thể thấy, việc ban hành, thực hiện các chính sách đã và đang tác động tích cực đến phát triển sản xuất, chế biến muối, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế điều kiện tự nhiên và đất đai vùng biển, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tái cơ cấu ngành muối là vấn đề cấp bách hiện nay không chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn cần phải xuất khẩu, khẳng định thương hiệu muối Việt Nam, không những góp phần ổn định sinh kế cho diêm dân mà còn tránh được số tiền lớn phải bỏ ra nhập khẩu mỗi năm.

Qua đó, bước đầu cũng đã hình thành được vùng sản xuất muối công nghiệp tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển sản xuất muối có quy mô công nghiệp, năng suất cao.

Đáng chú ý, sản lượng muối bình quân trong những năm gần đây (2019 - 2022) đạt khoảng 1 triệu tấn/năm đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm và một phần cho công nghiệp hóa chất. Đặc biệt, mô hình chuyển đổi vị trí chạt lọc đối với các đồng muối phơi cát ở miền Bắc; mô hình kết tinh muối trên nền trải bạt ở các đồng muối phơi nước ở miền Nam đã góp phần giảm đáng kể cường độ lao động, giảm thời gian kết tinh, năng suất, chất lượng muối tăng lên 1,2 - 1,5 lần và hiệu quả sản xuất cao hơn phương thức truyền thống từ 20 - 30%.

Hơn nữa, các đồng muối công nghiệp đã quan tâm đầu tư kinh phí để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như trải bạt ô kết tinh, phủ bạt che mưa ô kết tinh, cơ giới hóa nhiều khâu trong sản xuất để ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao sản lượng, chất lượng muối. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, chế biến và lưu thông muối. Sản phẩm muối của các doanh nghiệp chế biến đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt cho nhu cầu của người tiêu dùng và một phần cho xuất khẩu. Giai đoạn 2021 - 2023 đã có thêm những doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu về muối; các doanh nghiệp hiện có cũng đã bắt đầu nghiên cứu để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao và đa dạng hóa sản phẩm.

Đặc biệt, ngày 28/11/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh” năm 2022, Ban Giám khảo cuộc thi đã trao giải nhất cho Dự án Nanosalt - Muối dược liệu Việt Nam cho Công ty TNHH ABACA Việt Nam. Hay Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) tăng cường hỗ trợ cho muối. Giai đoạn 2020 - 2023, Trung tâm KNQG đã triển khai 03 dự án về muối với tổng kinh phí được Bộ phê duyệt là 7,9 ttỷ đồng, triển khai trên địa bàn 7 tỉnh; Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 3313/QĐ-BNN-KH ngày 23/7/2021); ngoài ra Bộ cũng đã tăng cường công tác truyền thông về các sản phẩm về muối nên những năm gần đây các địa phương, các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã quan tâm đến các sản phẩm, đặc trưng và tiềm năng của muối Việt Nam.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực