Bài 2: Giải ngân đầu tư công và chăm lo cải thiện an sinh xã hội

Để phục hồi tổng cầu nền kinh tế
Thứ hai, 04/09/2023 11:20
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ sản xuất và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân… Phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023.

Bài 1: Đẩy mạnh chính sách tài khóa và điều chỉnh tiếp cận vốn hiệu quả

Theo các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân, ngoài chính sách tài khóa, tiền tệ, cần phải lưu ý thêm việc tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công cũng như cải thiện chính sách an sinh xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tháo gỡ vướng mắc khi giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế

Cần quyết liệt triển khai một số giải pháp để đưa dòng vốn đầu tư công sớm chảy vào nền kinh tế (Ảnh: PV) 

Để đưa dòng vốn đầu tư công sớm chảy vào nền kinh tế, cần xác định rõ nguyên nhân và triển khai quyết liệt một số giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, cần có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng giảm vướng mắc trong tất cả các khâu quản lý dự án, từ chuẩn bị đến quy hoạch và thực hiện, như nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các quy định về điều kiện phân bổ kế hoạch vốn hằng năm cho các nhiệm vụ chuẩn bị và quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận được vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị và chủ động lập các kế hoạch đầu tư.

Thứ hai, các dự án đầu tư xây dựng thường gắn với giải phóng mặt bằng. Để dự án được nhanh chóng thực hiện, cần giải quyết các vấn đề cốt lõi của khâu giải phóng mặt bằng như: Nguồn kinh phí bồi thường cấp chưa kịp thời so với nhu cầu nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án; chính sách, pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường xuyên thay đổi, gây ra nhiều sự bất đồng ý kiến trong nhân dân.

Nhiều dự án chưa có sẵn quỹ đất tái định cư, khi giải tỏa không chủ động được việc bố trí tái định cư và nhu cầu đất ở; chính sách hỗ trợ người dân ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp chủ yếu thực hiện bằng việc chi trả bằng tiền, chưa có giải pháp cụ thể để người dân ổn định sinh kế. Nhất là các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp, giá bồi thường hiện chưa đủ để bù đắp cho những tổn thất gây ra; công tác quản lý đất đai còn chưa chặt chẽ, chưa xử lý kiên quyết, kịp thời, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng, xây dựng trái phép, khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường nên không chấp hành bàn giao mặt bằng.

Các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân khuyến nghị, để giải quyết các vấn đề cốt lõi nêu trên, các cơ quan chức năng có thể thực hiện: Khi xây dựng bảng giá đất hàng năm, cần chú trọng đến khả năng năng lợi của từng khu vực, vị trí đất, nhất là đối với đất nông nghiệp, các vị trí thuận lợi kinh doanh để xác định mức bồi thường phù hợp với giá trị thực tế. Ngoài ra, cần xác định chính xác tổng mức đền bù của dự án, tránh trường hợp không đáp ứng đủ cầu. Khi xây dựng kế hoạch đầu tư cần xác định rõ quỹ đất tái định cư, phát triển hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân; phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm, định hướng, đào tạo nghề để người dân có công ăn việc làm ổn định thay vì chỉ chi trả bằng tiền. Công tác này đặc biệt quan trọng đối với hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp; tăng cường công tác rà soát, quản lý việc sử dụng đất đai trên địa bàn. Đặc biệt, đối với những hộ sử dụng trái phép hoặc sai mục đích, có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khi không chấp hành bàn giao mặt bằng.

 Đảm bảo an sinh xã hội hướng tới tăng trưởng xã hội bền vững và bao trùm (Ảnh: PV)

Cải thiện chính sách an sinh xã hội cho người nghèo hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm

Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 thời gian qua đã làm cho thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền được hưởng an sinh xã hội của người lao động. Trong tình hình khó khăn đó, mạng lưới an sinh xã hội và các chính sách hỗ trợ cho người lao động lại chưa được đảm bảo tốt. Bên cạnh đó, tư duy quản lý về an sinh xã hội vẫn chưa theo kịp quá trình đổi mới đất nước. Tầng cuối cùng của hệ thống an sinh xã hội, cũng là chức năng chiến lược thứ 3 là những chính sách, chương trình khắc phục rủi ro (bao gồm các chính sách, chương trình về cứu trợ và trợ giúp xã hội) chưa được thực hiện tốt. Để cải thiện chính sách an sinh xã hội, cần triển khai quyết liệt một số giải pháp như:

Thứ nhất, phải đưa nhóm yếu thế vào trung tâm, trọng tâm của các chính sách an sinh xã hội. Để sự hỗ trợ đến được đúng nhóm đối tượng, các giải pháp có thể được thực thi, như: (1) Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đồng bộ, đa dạng, chất lượng, kết hợp có hiệu quả giữa bảo hiểm mang tính chất xã hội và bảo hiểm mang tính chất dịch vụ thương mại, nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân. Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích sự tham gia của nhóm lao động tự do, nông dân và các ngành nghề truyền thống.

Về cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội phải có tối thiểu 3 hợp phần cơ bản tương ứng với 3 chức năng chính của an sinh xã hội gồm: những chính sách, chương trình phòng ngừa rủi ro; những chính sách, chương trình giảm thiểu rủi ro; những chính sách, chương trình khắc phục rủi ro. Ba tầng của hệ thống tương ứng với 3 chức năng chiến lược của hệ thống an sinh xã hội.

Ưu tiên đầu tư nguồn lực tài chính cho an sinh xã hội, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa dựa trên sự đóng góp, chia sẻ của cộng đồng, doanh nghiệp, khu vực tư nhân, để có thể giảm bớt gánh nặng bao cấp của nhà nước và hội nhập sâu hơn với quốc tế. Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp an sinh hay công nghệ an sinh như một giải pháp để phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả. Đồng thời khuyến khích tối đa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển mạnh sản xuất kinh doanh để tạo nhiều việc làm, đồng thời hỗ trợ người dân có việc làm, tăng thu nhập là giải pháp xoá đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tích cực, hiệu quả, bền vững.

Thứ hai, việc thực thi các chính sách hỗ trợ trực tiếp gặp rào cản lớn do chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin về người được hưởng hỗ trợ, dẫn đến việc thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ được thiết kế quá phức tạp, gây bất tiện cho người dân. Vì vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới; chi trả, đóng nộp, thụ hưởng với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ thông tin, nghe nhìn, internet trong các phần mềm quản lý dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, tiến tới xây dựng mã số định danh an sinh xã hội duy nhất trong thực thi chính sách an sinh xã hội, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận phát triển, cũng như hỗ trợ các đối tượng cần thụ hưởng. Tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư phục vụ cho quá trình chuyển đổi số hóa an sinh xã hội từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã./.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực