Bài 2: Phục hồi ngành du lịch thời COVID-19

Chủ nhật, 14/06/2020 20:19
(ĐCSVN) - Thực tế cho thấy, trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19, du lịch là một trong những ngành phát triển năng động nhất dựa trên cơ sở phát huy các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và mức giá dịch vụ cạnh tranh. Ngành du lịch đã đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng GDP và giải quyết việc làm.

Bài 1: Giải pháp nào phục hồi nền kinh tế sau COVID-19

Thác Bản Giốc - Danh thắng nổi tiếng ở Cao Bằng. (Ảnh: Đặng Hiếu) 

Những năm gần đây, ngành du lịch có bước phát triển ngoạn mục. Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, từ năm 2015 - 2018, khách quốc tế tăng gần hai lần, từ 8 triệu lượt lên 15,5 triệu lượt và tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm; và là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới; khách nội địa tăng cũng tăng 1,4 lần, từ 57 triệu lượt lên 80 triệu lượt vào năm 2018; đóng góp 8,4% GDP. Năm 2019 tiếp tục đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 lượng khách quốc tế đạt trên 18,008 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, với mức tăng 16,2% so với năm 2018.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, chất lượng du lịch đang có những cải thiện tích cực nhằm tạo sức hút đối với khách quốc tế, Việt Nam tiếp tục giữ vững danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á" năm thứ hai liên tiếp do Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 bình chọn. Điểm đáng chú ý, tổng số thu từ khách du lịch năm 2019 cũng lên đến 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018. Với đà phát triển đó, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỷ đồng.

Thiệt hại nặng nề do dịch

Tuy nhiên, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm rất mạnh, từ khoảng 1,9 triệu lượt vào tháng 1/2020 xuống chỉ còn hơn 400.000 lượt vào tháng 3/2020. Cũng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nước cũng như trên thế giới và do thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/3/2020, nên lượng du khách đến nước ta liên tục giảm.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người; trong tháng 5 chỉ đạt 22,7 nghìn lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm tới 98,3% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam (có ý kiến cho rằng, trong tháng 4 và tháng 5, không có khách nước ngoài đến Việt Nam đến mục đích đi du lịch). Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước.

Những số liệu trên cho thấy, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, tổng thu từ du lịch 5 tháng năm 20202 chỉ đạt 150.300 tỷ đồng, giảm tới 47,4% so với cùng kỳ 2019. Tuy hoạt động du lịch nội địa đến thời điểm này đã dần được phục hồi khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng từ tháng 4/2020; nhưng với du lịch quốc tế thực sự là ngừng trệ kể từ tháng 3/2020 đến nay. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, từ nay đến cuối năm 2020, ngành du lịch tiếp tục còn gặp khó khăn. Mặc dù Việt Nam đã phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm đẩy mạnh kích cầu du lịch. Tuy nhiên, nếu khống chế được dịch bệnh tốt như hiện nay thì lượng khách nội địa năm 2020 cũng chỉ có thể đạt khoảng 60-65 triệu lượt; với  khách quốc tế, trong trường hợp có thể bắt đầu đón khách được từ quý III/2020 thì lượng khách có thể đạt từ 6-8 triệu lượt; nếu đón từ quý IV/2020 thì có thể đạt được 4,5 - 5 triệu lượt khách quốc tế; thấp xa so với mục tiêu của ngành du lịch là năm 2020 phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Từng bước phục hồi ngành du lịch

Nhiều ý kiến cho rằng, các vấn đề kinh tế sẽ chưa thể giải quyết triệt để sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Các lo ngại về sức khoẻ có thể kéo dài trong nhiều tháng, khiến người dân có thể có tâm lý không đi du lịch nếu không thực sự cần thiết. Do vậy, cần có những giải pháp cụ thể để từng bước có thể phục hồi ngành du lịch. Thứ nhất, cần có biện pháp để trấn an tâm lý du khách thông qua tăng cường các biện pháp y tế, như phân bố nguồn lực để đảm bảo vệ sinh cho dịch vụ vận tải, cung cấp giấy chứng nhận y tế;… Đồng thời, cần có đánh giá tác động đến người lao động dễ bị tổn thương trong lĩnh vực du lịch, như phụ nữ, cộng đồng dân tộc thiểu số vì xu hướng du lịch sinh thái gần đây đã mang lại nhiều lợi ích cho họ.

Cần đẩy mạnh kích cầu dịch vụ du lịch nội địa, sau đó là du lịch quốc tế. Đồng thời, đảm bảo đủ cơ sở lưu trú hợp vệ sinh với chi phí phù hợp, doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu được dự báo sẽ tăng, mặc dù là mức độ tăng chậm trong thời gian tới. Để phục hồi thị trường du lịch nội địa, trước hết cần tập trung vào hành khách trong các chuyến đi công tác, bởi đây sẽ là mạng phục hồi trước (vì như số liệu nêu ở trên, lượng khách đến trong tháng 4 và tháng 5 chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam).  

Thứ hai, để phục hồi mạnh mẽ hơn du lịch trong nước và quốc tế, cần hiểu rõ hơn sự phát triển của lĩnh vực này bằng cách thu thập dữ liệu có tần suất cao thông qua các khảo sát nhanh. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã thay đổi nhu cầu của khách du lịch và dẫn đến nhiều thay đổi về hành vi. Việt Nam sẽ cần phải phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội tư nhân đánh giá tình hình tài chính của ngành du lịch. Đánh giá này cần xem xét sự khác biệt giữa các khu vực và đặc điểm của từng nhóm doanh nghiệp dịch vụ du lịch, như về quy mô, nội địa, quốc tế, công lập, tư nhân,… Để hoạch định chính sách hiệu quả, cần cập nhật thông tin về cả nguồn cung và cầu trong lĩnh vực này.

Thứ ba, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và điểm đến. Theo đó, cần kết hợp các giải pháp về giảm giá dịch vụ (như một số nơi đã làm) song song với nâng cao chất lượng phục vụ. Về giá cả, trong ngắn hạn, có thể sử dụng các công cụ tiêu chuẩn như giảm thuế, phí, lệ phí - mặc dù việc giảm này có thể làm giảm thu ngân sách. Do vậy, để hiệu quả hơn, cần tập trung vào chất lượng các sản phẩm du lịch. Mục tiêu này có thể được thực hiện thông qua các chương trình kích cầu du lịch, như Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phát động được triển khai từ ngày 1/6 đến ngày 31/12/2020.

Các điểm đến có mật độ khách du lịch thấp hơn, chẳng hạn như điểm đến ở các vùng sâu, vùng xa, cần có sự tăng cường phối hợp với các chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng ở cấp độ cộng đồng. Việc này nhằm để các điểm du lịch được đảm bảo hơn về điều kiện vệ sinh, qua đó cải thiện chất lượng trải nghiệm du lịch theo chiến lược dài hạn về thúc đẩy sinh thái và thu hút du khách quốc tế quay lại Việt Nam.

Thứ tư, tập trung xây dựng chiến lược xây dựng thương hiệu và quảng bá, đảm bảo doanh nghiệp dịch vụ có đủ năng lực cung cấp dịch vụ của họ trong môi trường phát triển mới. Sau nhiều tháng tạm ngừng hoạt động do COVID-19, nhiều công ty lữ hành gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ bị phá sản do giá trị tài sản sụt giảm, và ít nhân viên sẵn sàng làm việc trở lại. Do đó, các cơ quan hữu quan cần có sự đánh giá, thống kê để xác định các hỗ trợ để doanh nghiệp có thể cơ cấu lại danh mục vay nợ và giải quyết những khó khăn về thanh khoản. Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mất khả năng thanh toán, thanh lý bán tháo tài sản, đồng thời bảo vệ việc làm.

Mục tiêu phục hồi ngành du lịch không chỉ đòi hỏi các điểm đến hấp dẫn và nâng cao chất lượng dịch vụ, mà bên cạnh đó, khách du lịch còn cần được tiếp cận dễ dàng hơn các thông tin và công cụ đặt phòng trực tuyến. Để tiếp tục thu hút khách du lịch, cũng cần có các chính sách linh hoạt hơn về việc huỷ hoặc thay đổi lịch đặt phòng hoặc phương tiện đi lại… Vì, sự lựa chọn của du khách cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nguồn cung và chất lượng các dịch vụ vận tải; mặc dù COVID-19 cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động vận tải tại Việt Nam.      

(Còn nữa)

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực