Những năm trước đây, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng huyện Quảng Điền vẫn chưa khai thác triệt để phát triển du lịch. Chiến dịch thông tin truyền thông quảng bá du lịch còn hạn chế; các dự án đầu tư trên địa bàn huyện tại các khu du lịch chưa đạt như kì vọng; trình độ đào tạo nghề cho cư dân địa phương phục vụ du lịch còn yếu và thiếu; các chính sách kêu gọi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa tốt, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông còn nhiều hạn chế; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn; chất lượng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu…
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thời gian gần đây, huyện Quảng Điền đã trở thành điểm sáng với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển.
|
Quảng Điền đã trở thành điểm sáng thu hút khách du lịch. |
Cô Phạm Thị Ngọc Tr., một du khách cho biết: “Tôi biết đến Quảng Điền từ lâu nhưng gần đây du lịch nơi đây mới thực sự níu giữ chân mình và gia đình, đặc biệt là tour trải nghiệm đầm phá Tam Giang. Nơi đây có một sức cuốn hút lạ lùng. Tại đây, chúng tôi hóa thân thành những ngư dân đích thực với nhiều trải nghiệm vô cùng thú vị, đó là: Đổ nò, đạp trìa; tự tay chế biến và thưởng thức các món thủy sản bắt được như: Trìa nướng mỡ hành, cá nướng, tôm đất nướng xiên... Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được chèo thuyền Sup và tham quan hệ thống nò sáo, tham quan rừng ngập mặn độc đáo với các loại cây dừa nước, bần chua… Ngắm hoàng hôn trên Phá Tam Giang. Sau đó, cả gia đình chúng tôi lại được ngồi bên bến đò Cồn Tộc để thưởng thức các món ăn vùng đầm phá rất ngon và hấp dẫn.”
|
Du khách rất hào hứng với cây bần chua trên tuyến chèo sup tại rừng ngập mặn phá Tam Giang (Quảng Điền). |
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: “Để khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, địa phương đã và đang triển khai các giải pháp cơ bản sau: Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch; tăng cường cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật; tích cực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng một nền nông nghiệp sạch; Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; nghiên cứu, phục dựng và phát triển các lễ hội dân gian truyền thống; tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá và chuẩn bị nguồn nhân lực phát triển du lịch, xây dựng ý thức cộng đồng trong phát triển du lịch. Trong đó, chúng tôi xác định việc quy hoạch là việc làm cấp bách, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong quy hoạch tổng thể phải thể hiện được khả năng phát triển du lịch cũng như các điều kiện ưu tiên phát triển nhằm có cơ sở trong việc kêu gọi các nhà đầu tư. Quy hoạch chi tiết du lịch, khu dịch vụ du lịch phải gắn với công tác nghiên cứu lợi thế so sánh, thị trường, thị hiếu. Việc lập quy hoạch du lịch phải đảm bảo tính thống nhất của các yếu tố trong du lịch là cần thiết và quan trọng, đồng thời phải được đặt trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện. Quy hoạch phát triển du lịch đảm bảo phát triển bền vững, bởi vì sự phát triển du lịch chủ yếu phụ thuộc vào các điểm hấp dẫn và các hoạt động có liên quan đến môi trường tự nhiên, các giá trị văn hoá của địa phương. Khi lập quy hoạch phải xem xét đến tất cả các yếu tố về môi trường và tính đến những lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương khi tham gia vào hoạt động du lịch”.
|
Ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang hiện đang được nhiều khách du lịch yêu thích. |
Với bề dày hơn 700 năm hình thành và phát triển, Quảng Điền đang ôm ấp trong mình những trầm tích văn hóa phong phú và đa dạng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 9 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng. Trong đó, có 3 di tích cấp Quốc gia và 6 di tích cấp tỉnh với nhiều điểm tham quan hấp dẫn như: Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đình - chùa Thủ Lễ, thành Hóa Châu, phủ Phước Yên, các di tích Chămpa...
Ngoài ra, nhiều lễ hội truyền thống mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương cũng thu hút một lượng lớn khách du lịch tham gia như: vật Thủ Lễ, đua ghe truyền thống, lễ hội Đu tiên, múa Náp, hò Bả Trạo, lễ hội Sóng nước Tam Giang, làng chài, chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh. Các hoạt động đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang, đời sống sinh hoạt của ngư dân... cũng là những thế mạnh về văn hóa để kết nối với hoạt động du lịch đầm phá trên địa bàn huyện. Huyện chú trọng phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để bảo đảm sự phát triển bền vững và phục vụ du lịch, ưu tiên phát triển trang trại sinh thái, làng hoa cây cảnh, làng rau sạch là nơi cung cấp sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường tự nhiên, đồng thời sẽ là điểm tham quan lý thú cho du khách.
“Ngoài những thế mạnh phát triển du lịch của Quảng Điền như cảnh quan thiên nhiên, những nét văn hoá đặc sắc... thì phát triển làng nghề truyền thống cũng là hình thức góp phần vào việc quảng bá du lịch, khêu gợi trí tò mò của du khách đến với những làng nghề. Phát triển du lịch làng nghề sẽ là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn truyền thống và xoá đói giảm nghèo tại nông thôn, trong đó cần thiết phát triển làng nghề trên nhiều phương diện” – đồng chí Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Dựa vào cộng đồng để phát triển du lịch xanh
Tài nguyên du lịch thường gắn liền với đời sống của cộng đồng dân cư địa phương. Phát triển du lịch phải dựa vào cộng đồng dân cư địa phương, do đó cần phải tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cộng đồng về phát triển du lịch. Từ đó người dân có thể nhận thức được lợi ích trước mắt và lâu dài nhằm tăng cường ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá, văn minh du lịch và bảo vệ môi trường cảnh quan du lịch, tài nguyên du lịch.
“Muốn triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của người dân rất quan trọng. Đối với huyện Quảng Điền, người dân là chủ thể trong triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong đó có phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh. Các chủ trương, phong trào, hoạt động đều cần phải có sự chung tay của người dân, điển hình là phong trào Ngày Chủ nhật xanh, phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh…” - đồng chí Lê Ngọc Bảo, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền khẳng định.
|
Về với Quảng Điền, du khách sẽ được trải nghiệm đi chợ cá buổi bình minh trên phá Tam Giang (chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh). |
Tuy nhiên, để thời gian tới tiếp tục huy động sự hưởng ứng và cùng tiếp sức của Nhân dân trong thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Quảng Điền, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tiếp tục tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch, trong đó thường xuyên tổ chức các diễn đàn để Nhân dân đóng góp ý kiến đối với các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn. Duy trì các kênh giao tiếp và trao đổi thông tin thường xuyên, giúp cho các thành viên cộng đồng và các bên liên quan thấy được họ chính là chủ thể quan trọng tham gia vào quá trình ra quyết định cho đến quá trình thực hiện các dự án du lịch.
Để phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh, huyện Quảng Điền cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch như: thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống,... phục vụ phát triển du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Đặc biệt là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đầu tư phát triển các ngành nghề gắn với chương trình phát triển du lịch của địa phương. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển du lịch: Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và khách du lịch cũng như việc gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức, hiệp hội du lịch, công ty du lịch trong việc quản lý tại các khu, điểm du lịch nhằm ngày càng hoàn thiện môi trường du lịch bền vững trên địa bàn. Xây dựng và nhân rộng mô hình “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch” nhằm tạo bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững.
Chị Lương Thị Hiền, đại diện một hộ dân tham gia tổ du lịch cộng đồng cho rằng: “Về giải pháp phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch như: Hỗ trợ ban đầu đối với những người mới tham gia làm du lịch (tư vấn đầu tư, tư vấn kỹ thuật sản xuất - kinh doanh, tổ chức tập huấn, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng)... giúp họ có các kỹ năng cần thiết để cung cấp các sản phẩm du lịch cộng đồng một cách tốt nhất. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo đề cao giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Thông qua sự tham gia của cộng đồng địa phương để phát triển những ngành nghề và lễ hội truyền thống, làm hàng thủ công mỹ nghệ, trồng các loại cây đặc sản của địa phương... để khách du lịch được thưởng thức và mua sản phẩm”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao việc huyện Quảng Điền đã có bước đi đúng đắn trong xây dựng, phát triển ngành du lịch tại địa phương theo hướng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với sự tham gia nhiệt huyết của người dân, doanh nghiệp để hướng tới thực hiện thành công Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Muốn phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh, Quảng Điền cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, bảo lưu các giá trị truyền thống; hỗ trợ ngân sách trong công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân; khuyến khích đóng góp từ thu nhập du lịch của các doanh nghiệp cho hoạt động bảo tồn, phục hồi các giá trị về văn hóa, sinh thái./.