Bến Tre: Quyết liệt xử lý tàu cá vi phạm, tháo gỡ “thẻ vàng” IUU

Thứ năm, 21/10/2021 09:42
(ĐCSVN) - Bến Tre đang là một trong những tỉnh còn tàu cá vi phạm "thẻ vàng" (IUU) của EC. Việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp là vấn đề mà chính quyền và ngư dân Bến Tre đã nhận thức rõ và quyết tâm thực hiện, khẩn trương khắc phục những mặt tồn tại, để góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với hải sản Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đã trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác hải sản vi phạm "thẻ vàng" IUU 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, được biết, hiện nay, Bến Tre đang là một trong những tỉnh còn tàu cá vi phạm quy định "thẻ vàng" IUU (khai báo hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu (EC). Xin đồng chí cho biết, hiện nay, các vấn đề về tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, việc lắp đặt thiết bị VMS, việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, việc xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU đang diễn ra như thế nào tại địa phương?

Đồng chí Lê Đức Thọ: Bến Tre là một trong những tỉnh có nghề cá phát triển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, toàn tỉnh có 3.839 tàu cá đăng ký. Trong đó, tàu đánh bắt xa bờ 2.118 chiếc (tỷ trọng 55,17%). Sản lượng thủy sản khai thác hàng năm trên 200.000 tấn, đóng góp đáng kể vào kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đối với 3 huyện ven biển (Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại); đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc phòng của quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản ở Bến Tre đang tồn tại một số vấn đề liên quan đến quy định về chống khai thác IUU.

Đặc điểm nghề cá của Bến Tre là lưới kéo, tàu cá lưới kéo chiếm 68,5% đội tàu toàn tỉnh; ngư trường khai thác tập trung chủ yếu ở các vùng biển xa bờ phía Nam và Tây Nam Bộ. Những năm gần đây, tàu khai thác xa bờ phát triển khá nhanh, nguồn lợi thủy sản trên các ngư trường truyền thống bị khai thác quá mức, suy giảm nhanh, hoạt động đánh bắt ngày càng kém hiệu quả, tàu khai thác ngày càng vươn ra khơi ở vùng giáp ranh, nơi có nguồn lợi thủy sản còn khá phong phú, đặc biệt là các vùng giáp ranh bên ngoài của các nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Do lợi ích kinh tế trước mắt, một số thuyền đã cố tình khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Bến Tre được xác định là 1 trong 7 tỉnh có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ do khai thác trái phép. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 7 tàu vi phạm, (vi phạm vùng biển Thái Lan 01 tàu; Malaysia 06).

Bến Tre triển khai thực hiện tương đối tốt quy định lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá. Đến nay đã có 2.011 tàu cá thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị, đạt 98,8%. Trong đó, tàu có chiều dài trên 24 mét đã lắp đặt 100%. Hiện còn 25 tàu thuộc nhóm có chiều dài dưới 24 mét chưa lắp đặt thiết bị (không kể 82 tàu đang tạm ngưng hoạt động cũng chưa lắp thiết bị giám sát).

Các tàu chưa lắp thiết bị đều thuộc diện không tiếp cận được tàu, chủ tàu không có mặt tại địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phát hành thông báo tàu mất tích (lần thứ 3). Dự kiến thực hiện thủ tục xóa đăng ký sau khi đủ thời gian đăng thông báo 12 tháng theo quy định nếu chủ tàu không liên hệ cơ quan quản lý tàu cá để khai báo.

Đối với tàu tạm ngưng hoạt động, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương điều tra, xác minh, lập hồ sơ, thống kê danh sách đề nghị UBND xã nơi chủ tàu đăng ký thường trú và các Đồn Biên phòng trên địa bàn phối hợp theo dõi, giám sát thường xuyên, vận động và yêu cầu chủ tàu thực hiện quy định về lắp thiết bị giám sát khi đưa tàu vào hoạt động.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và cơ quan Biên phòng tỉnh đã triển khai công tác giám sát tàu cá hoạt động khai thác trên biển thông qua Hệ thống giám sát tàu cá, giám sát chặt chẽ tàu cá khai thác trên biển, khi tàu khai thác vượt qua ranh giới trên biển hoặc khai thác ở vùng giáp ranh có nguy cơ vượt qua ranh giới đều được trực ban giám sát cảnh báo, kêu gọi đưa tàu quay về. Các trường hợp cố tình không quay về sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tuy nhiên, công tác giám sát tàu cá hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiết bị giám sát mất tín hiệu khi hoạt động trên biển. Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh đang phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương quyết liệt xử lý các trường hợp tàu khai thác bị mất tín hiệu, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Về công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác được các cảng cá trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối tốt. Tất cả tàu cá cập cảng, rời cảng đều được kiểm soát. Sản lượng thủy sản khai thác từ tàu cá qua cảng đều được giám sát và lập hồ sơ đầy đủ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đúng theo quy định. Tuy nhiên, theo báo cáo thống kê từ năm 2020 đến nay, chưa có doanh nghiệp thu mua thủy sản nào yêu cầu cấp giấy xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Về công tác xử lý tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài cũng được Bến Tre thực hiện nghiêm, là tỉnh tiên phong, xử lý trường hợp đầu tiên theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP (phạt 800 triệu đồng).

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành 04 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 chủ tàu, tổng số tiền phạt 3,2 tỷ đồng. Hiện còn 03 chủ tàu, cơ quan Biên phòng đang củng cố, hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt. Kể từ ngày áp dụng Nghị định số 42/2019/NĐ-CP đến nay, Bến Tre đã xử phạt 16 chủ tàu, phạt tiền tổng cộng 13 tỷ đồng. Bến cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, chủ tàu còn bị đưa ra kiểm điểm trược cộng đồng trên địa bàn nơi cư trú, để tăng tính răn đe của pháp luật đối với hành vi khai thác thủy sản trái phép ở nước ngoài.

 

 Đoàn tàu khai thác hải sản huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre

PV: Hiện nay, địa phương đang tháo gỡ những khó khăn trên như thế nào, đặc biệt là giải pháp để không còn tàu cá vi phạm tại vùng biển của nước ngoài, khi đây là vấn đề đặc biệt quan trọng mà phía EC đã từng khẳng định: sẽ không gỡ thẻ vàng nếu như chưa chấm dứt được tình trạng này? Tỉnh Bến Tre sẽ triển khai các giải pháp gì để chấm dứt vấn đề này, thưa ông?

Đồng chí Lê Đức Thọ: Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác chống khai thác IUU, thời gian qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre luôn quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu phải tập trung thực hiện. Ngày 14/10/2021, tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội nghị để chỉ đạo, triển khai các giải pháp cấp thiết. Hội nghị đã đánh giá, phân tích và chỉ ra 5 nguyên nhân đến nay tỉnh chưa kiểm soát được tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Một là, công tác quản lý nhà nước, điều hành xã hội, sự phối hợp ở các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhất là ở cấp cơ sở. Hai là, vẫn còn tình trạng cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức chưa thật sự quan tâm, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao, còn lơ là, thiếu sâu sát, thiếu theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện. Ba là, các chế tài, quy định xử lý vi phạm còn nhiều bất cập, công tác phối hợp giữa các địa phương trong khu vực chưa chặt chẽ. Bốn là, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, chưa thực sự xác định được tính chất nghiêm trọng của tình hình và việc chuyển nhượng tàu cá chưa đúng quy định. Năm là, sự phối hợp giữa các địa phương, các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương còn có lúc, có nơi chưa chặt chẽ,...

Để có thể khắc phục tình trạng đó, tới đây, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bến Tre sẽ tập trung quyết liệt, khẩn trương thực hiện các giải pháp với tinh thần quyết tâm chính trị cao, chấn chỉnh và kiểm soát chặt chẽ tình hình, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU, góp phần để Ủy ban châu Âu sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Để làm được như vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và của các cấp, các ngành, tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể sau:

Yêu cầu Ban Chỉ đạo tỉnh Bến Tre và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác (các tỉnh, thành phố), các bộ, ngành Trung ương để tăng cường quản lý phương tiện tàu cá, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện nghiêm việc đăng ký phương tiện tàu cá và chuyển nhượng phương tiện tàu cá theo quy định hiện hành; rà soát, nắm chắc tình hình đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt sử dụng thiết bị giám sát hành trình và hoạt động khai thác hải sản của tàu cá và ngư dân trong tỉnh, nhất là số tàu cá có công suất lớn, khai thác dài ngày trên biển. Kiểm tra định kỳ, đột xuất nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp đối với các cơ quan, địa phương có liên quan; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đồng thời, nghiên cứu, có giải pháp và đề xuất giải pháp phát triển hệ thống cảng cá, phương pháp trữ lạnh, sơ chế và các giải pháp kỹ thuật đảm bảo chất lượng, nối dài chuỗi giá trị hàng hóa để sản phẩm đánh bắt hải sản của ngư dân trở thành hàng hóa có giá trị cao; phát triển các dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt hải sản trên biển; xây dựng và phát triển các nhà máy, cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh; ... để phát triển nghề đánh bắt hải sản hiệu quả, bền vững, góp phần để bà con ngư dân chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Kịp thời đề xuất Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung giải pháp, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, quyết tâm để Việt Nam được gỡ “thẻ vàng”. Tham mưu đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp hoàn thành tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC tại địa phương. Cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU.

Giao Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Đảng ủy Công an tỉnh tăng cường lãnh đạo, thực hiện tốt và nghiêm túc công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu cá không bảo đảm điều kiện theo quy định; kịp thời phát hiện, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp vượt đường ranh giới trên biển, các trường hợp khai thác hải sản trái pháp luật, vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, các trường hợp môi giới đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài không đúng quy định của pháp luật hoặc tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép.

Chỉ đạo Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, nhất là Ban thường vụ huyện ủy các huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên cấp bách cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở cấp cơ sở, và làm dứt điểm trong năm 2021. Cụ thể các xã có số tàu cá hoạt động khai thác hải sản, cần phải chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, phối hợp đồng bộ với các ngành, các cấp liên quan để bảo đảm từng cán bộ, từng người dân, từng chủ tàu, thuyền trưởng biết và thực hiện nghiêm các quy định, hiệu quả và thường xuyên.

Đối với cấp ủy, chính quyền xã phải chịu trách nhiệm, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, nắm vững từng hộ gia đình, từng người dân đi đánh bắt cá trên biển; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật; đồng thời, có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Địa phương nào lơ là, không quyết liệt, nếu vẫn còn tàu cá vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy và Tỉnh ủy. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU.

PV: Trong thông báo 245/TB-VPCP ngày 14/09/2021 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ mới đây, đã nêu rất rõ về trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện tháo gỡ "thẻ vàng". Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển phải xác định cấp xã, phường, thị trấn là lực lượng nòng cốt trong việc quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân đối với công tác chống khai thác IUU. Trong đó, yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên tuyền vận động người dân tuân thủ pháp luật; đồng thời, xử lý nghiêm tô chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU. Vậy, về những vấn đề này, Bến Tre tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như thế nào? Sẽ có những triển khai như thế nào để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến tới việc quyết tâm tháo gỡ "thẻ vàng" của EC trong thời gian tới?

Đồng chí Lê Đức Thọ: Thời gian từ nay đến cuối năm 2021 không còn nhiều, với tinh thần quyết tâm chính trị sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC và nghiêm túc thực hiện cam kết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với Thủ tướng Chính phủ là đến cuối năm không còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, xã phải quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn.

Trước hết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hoạt động khai thác IUU.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, làm tốt kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác chống khai thác IUU của cấp ủy, chính quyền xã, nhất là công tác quản lý ngư dân trên địa bàn và công tác giáo dục tuyên truyền vận động ngư dân.

Đồng thời, quản lý được chủ tàu cá trên địa bàn, ngoài danh sách thống kê phải xác định được nơi ở cụ thể của chủ tàu, ngay cả trường hợp rời địa phương đi tạm trú ở nơi khác; thực hiện ngay việc sàng lọc đối tượng nguy cơ cao, có danh sách cụ thể; danh sách tàu thường xuyên ở ngoài tỉnh không về Bến Tre; nắm bắt chắc, cụ thể tình hình để chỉ đạo, quản lý, giám sát và thực hiện nghiêm.

Thành lập tổ chuyên trách công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động của địa phương, huy động các lực lượng, đoàn thể, hội,… trên địa bàn tham gia; lập kế hoạch giám sát đối tượng nguy cơ cao trên địa bàn, tiếp cận tuyên truyền vận động thường xuyên,tạo sự thay đổi cách nghĩ, cách làm, tuân thủ nghiêm các quy định.

Tích cực phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng thực hiện điều tra, xác minh, lập hồ sơ xử lý đối tượng vi phạm về khai thác IUU.

Cùng với đó, xây dựng chương trình truyền thanh hàng ngày phát trên địa bàn, lồng ghép nội dung thông tin tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; chỉ đạo lực lượng công an trên địa bàn, nhất là các xã ngoài khu vực biên phòng, tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin, hỗ trợ cơ quan chức năng thực hiện công tác điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, bảo đảm kiểm tra đến từng xã có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để nắm tình hình và có biện pháp chỉ đạo, xử lý, kịp thời, hiệu quả. Biểu dương khen thưởng kịp thời và xử lý đối với đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ nhất là người đứng đầu địa phương có tàu vi phạm.

Với việc thực hiện đồng bộ hàng loạt các giải pháp như trên, chúng tôi tin tưởng rằng, Bến Tre sẽ sớm chấp dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, góp phần cùng với một số địa phương trên cả nước tháo gỡ "thẻ vàng" của EC trong thời gian tới. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

 

Trọng Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực