Bình Dương: Kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng

Thứ bảy, 15/01/2022 14:53
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh khó khăn do phải chịu những tác động lớn của đại dịch COVID-19, Bình Dương đã linh hoạt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa quyết liệt khống chế dịch bệnh COVID-19, vừa triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế.
 Sản xuất tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam. (Ảnh: Tiểu My/Báo Bình Dương)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có những điểm sáng trên một số lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,79% so với năm 2021; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng ước đạt 68,12% - 21,42% - 3,1% - 7,36%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 153,6 triệu đồng/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,4%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước giảm 4,3%; ước tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 61.200 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 32.201 tỷ đồng; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt trên 2 tỷ đô la Mỹ. An sinh, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được bảo đảm, đời sống người dân được ổn định.

Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, năm 2022, tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu như, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 16%; huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 33,3% GRDP của tỉnh năm 2022 và tăng 10% so với năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9% so với năm 2021. Tăng trưởng GRDP của tỉnh trong năm 2022 đạt 8 – 8,3%, cơ cấu kinh tế tiếp tục lấy công nghiệp – dịch vụ làm chủ đạo với tỷ trọng tương ứng các ngành công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lần lượt là 67,41% - 21,87% - 3,05% - 7,67%; GRDP bình quân đầu người đạt 169,8 triệu đồng/năm. Chú trọng phát huy hiệu quả các nguồn vốn trong nước, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài, nhất là dòng chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10% so với năm 2021, chiếm 33,3% GRDP năm 2022; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,8 tỷ đô la Mỹ.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Bình Dương, đại diện lãnh đạo thị xã Tân Uyên cho biết, là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của dịch COVID -19 nhưng thị xã Tân Uyên vẫn đạt và vượt 24/24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt 5 chỉ tiêu về phát triển đô thị thông minh đều đạt; việc thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả khả quan. Năm 2022, thị xã Tân Uyên tiếp tục đề ra 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chăm lo đời sống cho người lao động, thu hút đầu tư.

Lãnh đạo TP Dĩ An cho rằng, mục tiêu trong năm 2022, thành phố tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt thành phố đang tập trung triển khai 17 công trình dự án trọng điểm; phối hợp các sở ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; tập trung giải quyết khiếu nại kéo dài…

Cùng quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương chia sẻ, để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2022, ngành công thương sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128. Bên cạnh đó, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng, hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất. Cùng với đó, ngành công thương cũng phối hợp, kiến nghị với các cấp từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, lựa chọn các nhóm ngành phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn phục vụ sản xuất công nghiệp để tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2022, từng đơn vị, địa phương xây dựng cụ thể các giải pháp phục hồi kinh tế, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế- xã hội, sớm đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh, mỗi sở, ngành, từng địa phương nhanh chóng hoàn thành cơ sở dữ liệu của mình để phục vụ cho tốt cho công tác điều hành quản lý. Chậm nhất 6 tháng đầu năm 2022, các địa phương phải xây dựng xong Trung tâm hành chính công cấp huyện. Rà soát kiện toàn bộ phận một cửa cấp xã, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp để nâng cao chỉ số hài lòng. Bên cạnh đó, quan tâm củng cố hệ thống y tế cơ sở: nhân lực, trang thiết bị… để đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực