Được biết, để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt báo cáo đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Theo Đề án, từ nay đến năm 2020, nông nghiệp trên địa bàn phía Nam của tỉnh Bình Dương sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và khai thác tốt các nguồn lực sẵn có ở đô thị. Mục tiêu phấn đấu tới năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn vùng phía Nam của tỉnh Bình Dương đạt 3.783 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 1,6 tỷ đồng.
Hiện khu vực đô thị của tỉnh Bình Dương có trên 500 hộ đầu tư chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình nông nghiệp đô thị, tập trung chủ yếu ở TP. Thủ Dầu Một, TX. Tân Uyên, TX. Thuận An, TX. Dĩ An và TX. Bến Cát. Việc phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực, mang lại nguồn thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích đất, đồng thời khai thác tốt nguồn lao động và đất đai khu vực đô thị.
Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
đã mang lại thu nhập cao cho nông dân. (Ảnh: NS)
Ông Nguyễn Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh này đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích gần 1.000 ha và hơn 860 ha ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi. Các mô hình nông nghiệp mới trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá, tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân.
Có thể thấy, Bình Dương càng ngày càng có nhiều mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương tự động theo công nghệ tự động hóa chuyển giao từ Israel, xử lý ra hoa trái vụ, áp dụng VietGAP… Nhờ vậy, mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng giá trị tuyệt đối vẫn ngày càng tăng. Trong thời gian qua, Bình Dương luôn xác định quá trình tất yếu của việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Vì vậy, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ trang trại và nông dân đầu tư ứng dụng các công nghệ, quy trình canh tác mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngành nông nghiệp Bình Dương cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất. Cụ thể, ngành đã hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái có múi, chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến… Qua đó đã tạo điều kiện cho nông dân tích cực áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngành nông nghiệp của Bình Dương cũng đang đặt ra mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, địa phương sẽ chú trọng việc phát triển vườn cây ăn quả đặc sản ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gắn với du lịch sinh thái. Đối với vùng cây ăn trái tập trung ở các huyện phía Bắc của tỉnh, sẽ gắn với công nghiệp chế biến. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Những kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất thời gian qua sẽ là đòn bẩy cho quá trình gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp địa phương.
Ông Nguyễn Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết thêm, Sở đang làm việc với một số địa phương về việc tìm kiếm địa điểm thuận lợi tổ chức hội chợ nông sản sạch thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của người sản xuất và người tiêu dùng, mở rộng thị trường cho người sản xuất cung ứng hàng hóa nông sản chất lượng…/..