Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả

Thứ năm, 24/03/2022 16:48
(ĐCSVN) - Báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” đã đưa ra 04 nhóm kiến nghị chính sách đối với sửa đổi, bổ sung Luật SHTT nhằm bảo đảm phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Ngày 24/3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ SHTT hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức trong khung khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp với trực tuyến, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: PV)

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM khẳng định: Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực bổ sung và sửa đổi các luật và văn bản hướng dẫn để thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ và các nội dung liên quan như cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng đang diễn ra rộng khắp và thay đổi đáng kể phương thức làm việc, hợp tác của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực. Ở góc độ quản lý nhà nước, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ có thể giúp tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình thiết lập và thực thi quyền đối với tài sản trí tuệ. Chính ở đây, cải cách thể chế cũng cần tạo điều kiện cho việc thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, đồng bộ và hiệu quả trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Dịp này, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Báo cáo giúp xác định những yêu cầu, khuyến nghị chính sách nhằm hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế mà trọng tâm là các FTA thế hệ mới, đồng thời tạo điều kiện cho thúc đẩy chuyển đổi số, kể cả đón đầu các xu hướng hợp tác quốc tế về hợp tác kinh tế số.

Thông tin tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu của CIEM cho hay, Báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ SHTT hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” đã rà soát các quy định về SHTT trong các cam kết quốc tế và văn bản pháp luật của Việt Nam. Các quy định hiện hành của Việt Nam đã cơ bản phù hợp với các quy định về thực thi quyền theo các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, thực trạng thi hành Luật SHTT phần nào cho thấy sự quan tâm chưa đúng mức của khối doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu đối với lĩnh vực này. Về xử lý các tranh chấp phát sinh đối với quyền SHTT, nhiều vụ việc đã được xử phạt hành chính, tập trung chủ yếu ở hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu hoặc vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, số tiền xử phạt hành chính tương đối thấp và chưa thực sự đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm luật SHTT.

Một yêu cầu đặt ra cho sửa đổi, bổ sung Luật SHTT là phải giúp tiếp cận, nắm bắt được các xu hướng hội nhập đang diễn ra trên thế giới. Trong đó có xu hướng hợp tác về kinh tế số. Mặc dù mới hình thành từ năm 2020, các hiệp định hợp tác về kinh tế số đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ các quốc gia. Dù chưa tham gia các hiệp định hợp tác về kinh tế số, Việt Nam cũng cần suy nghĩ đến việc sửa Luật sở hữu trí tuệ theo hướng “đón đầu” xu hướng hợp tác quốc tế này để chủ động có những chuẩn bị cần thiết. Song song với đó, Việt Nam cần lưu tâm đến bảo vệ cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích xã hội, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với thực tiễn của một nền kinh tế đang phát triển.

Đề xuất 4 nhóm kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật SHTT (Ảnh: PV) 

Cũng theo nhóm nghiên cứu của CIEM, Báo cáo đưa ra 04 nhóm kiến nghị chính sách đối với sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, cụ thể:

Thứ nhất, cách tiếp cận đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT cần hướng tới nội luật hóa sớm hơn và cao hơn so với các cam kết quốc tế để tạo động lực cho doanh nghiệp và thích ứng với môi trường chuyển đổi số.

Thứ hai, cần nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (đặc biệt là ở nước ngoài).

Thứ ba, cần vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền SHTT để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân.

Thứ tư, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý sở hữu trí tuệ. Cần tính đến khả năng hợp nhất một số cơ quan quản lý SHTT, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan này.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng trao đổi những nội dung, quy định, chính sách, định hướng cụ thể giúp xác định cho việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT nhằm bảo đảm phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực