Cam kết ổn định thị trường hàng hóa, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng

Thứ năm, 12/03/2020 11:34
(ĐCSVN) – Những ngày qua, diễn biến mới của dịch bệnh COVID- 19 đã ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa. Tuy nhiên, các địa phương đã cam kết cung ứng đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng, đảm bảo ổn định thị trường...

Tại Bình Dương, từ hôm qua, 11/3, hoạt động tại các siêu thị và chợ truyền thống đã trở lại bình thường, không còn hiện tượng tăng giá, khan hàng giả tạo do người dân đi mua hàng dồn dập. Hệ thống các cửa hàng tiện ích, siêu thị tại Bình Dương như Lotte, Aeon Mall, Big C, Co.op Mart… có khá đông khách hàng đến mua sắm, tuy nhiên hàng hóa được bày bán phong phú, với số lượng lớn. Tâm lý mua hàng tích trữ đã không còn ở đại đa số khách hàng.

Ông Thái Thành Nhân, Trưởng bộ phận thực phẩm tươi sống, siêu thị Big C Bình Dương cho biết, hiện sức mua có giảm nhẹ hơn đôi chút so với cuối tuần qua tuy vậy để đáp ứng nhu cầu khách hàng, thực phẩm, hàng tiêu dùng tại siêu thị luôn được cập nhật, bổ sung theo nhu cầu mua hàng. Chính vì thế, cho dù mấy ngày qua lượng khách hàng mua sắm tuy có tăng lên nhưng siêu thị đáp ứng đầy đủ như đã cam kết với ngành quản lý. Cùng với đó, tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Dương lượng hàng hóa bán ra đã đa dạng trở lại, đối với mặt hàng được người dân có nhu cầu mua tăng cao trong mấy ngày vừa qua như mì gói, gạo…thì nay cũng đã được bổ sung đầy đủ trở lại.

Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trước biến động của thị trường mấy ngày qua, Sở Công Thương đã chủ động làm việc với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh như Big.C, Co.op Mart, Vinmart, Lotte Mart, Aeon Mall… Qua đó, cơ quan chức năng khẳng định lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 3 tháng trở lên cho thị trường trong Tỉnh.

Theo ghi nhận, trong hai ngày 7 và 8/3 vừa qua, tại các siêu thị ở TP.Biên Hòa như BigC Đồng Nai, BigC Tân Hiệp, Co.opmart Biên Hòa và các hệ thống cửa hàng tiện ích của VinMart, Bách hóa Xanh…, lượng khách đến mua hàng đông đột biến đã dẫn đến quá tải, nhiều người phải chờ hơn 30 phút mới tới lượt tính tiền. Ngày 9/3, lượng khách có giảm đi nhưng nhìn chung vẫn đông hơn so với ngày bình thường. Theo Co.opmart Biên Hòa, lượng khách đến mua sắm tại siêu thị tăng 30% so với ngày bình thường. Đồ hộp và mì gói là 2 mặt hàng được khách hàng chọn mua nhiều nhất.

Các địa phương cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng

(Ảnh: K.V)

Tương tự tại Siêu thị BigC Đồng Nai, lượng tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: mì gói, gạo, dầu ăn, nước mắm của khách hàng trong những ngày qua cũng tăng mạnh. Chị Đỗ Thu Hường, người dân phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa cho biết, do nghe thông tin về dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đã đi siêu thị mua gạo, mì gói, đồ hộp dự trữ sẵn. Sau hai ngày khách hàng đi mua sắm tăng đột biến, hiện nay tình hình đã trở lại bình thường. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích ở TP.Biên Hòa đang có nguồn cung thực thẩm, hàng hóa dồi dào.

Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết, siêu thị cam kết đồng hành cùng khách hàng, đảm bảo nguồn cung, không tăng giá hàng hóa. Do vậy khách hàng không phải lo lắng, cũng không nên mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ cần mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung luôn được đảm bảo. Đại diện BigC Đồng Nai cũng cam kết cung ứng đủ thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho khách hàng. Hệ thống siêu thị đã đặt hàng tối đa với tất cả các nhà cung cấp để có hàng rau củ, quả tươi dự phòng gấp 5 lần ngày thường. Hàng thực phẩm thiết yếu có lượng hàng dự phòng đủ trong 1,5 tháng, tính từ đầu tháng 3, để phục vụ khách hàng.

Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho hay, từ trước Tết Nguyên đán năm 2020, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng phương án ứng phó dịch bệnh COVID-19. Theo đó, phân công cụ thể các phòng chuyên môn, làm việc với các nhà phân phối lương thực, thực phẩm để nắm tình hình nguồn cung và các kênh phân phối thực phẩm trên địa bàn; đồng thời liên hệ các địa phương trong tỉnh tổng hợp nhu cầu hàng hóa thiết yếu, nguồn cung nông sản… để xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu.

Hiện tại, Đồng Nai luôn có nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ dồi dào, đảm bảo đủ nhu cầu cho người dân nên người dân cần bình tĩnh, không nên quá hoang mang lo lắng. Nguồn hàng hóa, thực phẩm dồi dào Siêu thị Mega Market có nguồn hàng dự trữ bán đủ trong 3 tháng, hệ thống siêu thị BigC chi hơn 70 tỷ đồng và Lotte chi hơn 80 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ khẳng định, Đồng Nai đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Người dân hãy tin vào ngành Y tế và cơ quan chức năng về khả năng ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Để không làm phức tạp thêm tình hình, người dân tránh chỗ tụ tập đông người, không nên tập trung mua bán đông đúc, sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Mỗi người dân phải bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tự giác, trung thực khai báo lịch trình và khai báo y tế với các cơ quan chức năng. Có như vậy mới cùng chung tay đẩy lùi được dịch bệnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang, sau khi xuất hiện dịch COVID-19, người dân thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung. Đặc biệt, những ngày cuối tuần vừa qua, thị trường xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các sản phẩm phòng chống dịch, gây khan hiếm cục bộ tại một số thời điểm. Dịp này cũng xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp, tăng cường tích trữ, đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt, nâng giá bán bất hợp lý để trục lợi làm cho thị trường diễn biến phức tạp.

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh khẳng định, việc có một số thông tin khan hiếm hàng hóa và các quầy kệ trống là do nhân viên chưa kịp đưa hàng hóa lên kệ, hoàn toàn không có vấn đề thiếu hụt hàng hóa. Thành phố hoàn toàn có khả năng cung ứng nguồn hàng tăng từ 50% đến 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, do vậy người dân nên bình tĩnh trong việc mua sắm, không nên dự trữ hàng quá nhiều làm mất cân đối cung - cầu và gây lãng phí./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực