Cần chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài

Thứ tư, 11/03/2020 09:11
(ĐCSVN) - Một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam gỡ cảnh báo “thẻ vàng” là phải chấm dứt tàu cá vi phạm bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn Thanh tra của EC đã chỉ ra qua đợt kiểm tra lần thứ 2 tại Việt Nam.

Đó là một trong những đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nhằm khẩn trương tháo gỡ “thẻ vàng” cho sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: MP)

Kinh nghiệm quốc tế để tháo gỡ “thẻ vàng”

Thực tế, từ năm 2012 đến nay đã có 25 nước bị cảnh báo thẻ (trong đó có 19 nước bị cảnh báo “thẻ vàng” và 6 nước bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”). Đến nay, đã có 14 nước gỡ được thẻ, trong đó có các nước Đông Nam Á gồm: Thái Lan và Phi-líp-pin.

Để gỡ “thẻ vàng”, Thái Lan đã tập trung các giải pháp mạnh mẽ để cải cách tương đối triệt để hệ thống quản lý nghề cá theo hướng phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm. Đặc biệt là các nỗ lực về cải cách thể chế, pháp lý, nguồn nhân lực đáp ứng được các trách nhiệm và các quy định của luật pháp quốc tế mà Thái Lan cam kết thực hiện.

Cụ thể, sửa đổi ngay lập tức khung pháp lý đáp ứng được các yêu cầu quốc tế trong việc tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về quản lý nghề cá như: biện pháp quốc gia có cảng, biện pháp quốc gia ven biển, biện pháp thị trường đi kèm với một khung xử phạt nghiêm ngặt với mức xử phạt cao nhất tương tương với 22 tỷ đồng Việt Nam.

Đồng thời, thực hiện cải tổ bộ máy, trong đó tổ chức bộ máy tăng thêm 10 đầu mối từ 14 lên 24 đầu mối ở Trung ương với khoảng gần 2.000 cán bộ được tăng cường thêm cho công tác chống khai thác IUU. Thành lập 31 trung tâm Kiểm soát tàu cá ra vào cảng ở 22 tỉnh ven biển để tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với 6.000 tàu cá thuộc diện kiểm soát. Đầu tư khoảng 125 triệu USD trong gần 4 năm để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU.

Đối với Phi-líp-pin, mặc dù lý do phạt “thẻ vàng” chủ yếu tập trung vào các đội tàu khai thác cá ngừ, tuy nhiên, Phi-líp-pin đã nỗ lực hết sức để thực hiện các giải pháp đồng bộ triệt để để thành công dỡ bỏ thẻ vàng sau 11 tháng.

Các giải pháp nổi bật mà Phi-líp-pin áp dụng gồm: Ban hành một Đạo luật riêng có tên “Luật Ngăn ngừa, Giảm thiểu và Xoá bỏ Khai thác IUU” hay còn gọi là Đạo Luật 2015 phù hợp với các quy định quốc tế về quản lý nghề cá bền vững và chống khai thác IUU với mức xử phạt cao nhất tương đương với 40 tỷ đồng Việt Nam.

Quy định Tổ chức Bộ máy ngay trong luật này. Trong đó quy định Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp đồng thời là Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản; lập Ban xét xử hành chính và thành lập Uỷ ban liên bộ thực hiện Đạo Luật 2015. Bên cạnh đó, thành lập quỹ quản lý thuỷ sản giao cho Tổng cục Thuỷ sản. Nguồn của Quỹ được lấy từ tiền phạt các vụ việc vi phạm các quy định của Đạo Luật 2015.

Ngăn chặn, xử lý kịp thời các tàu cá vi phạm

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ NN&PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) đã thường xuyên tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Trong đó tập trung kiểm tra, chỉ đạo thực hiện các quy định liên quan chống khai thác IUU tại các tỉnh, thành phố trọng điểm như: Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…Qua kiểm tra, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” tại các địa phương bước đầu đã có kết quả, tuy nhiên chuyển biến rất chậm sau hơn hai năm EC cảnh báo “thẻ vàng” (từ ngày 23/10/2017).

Theo kế hoạch, từ ngày 25/5 đến 5/6/2020, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì không những không tháo gỡ được “thẻ vàng”, mà nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ, ban, ngành và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp trọng tâm, cấp bách.

Cụ thể, chuẩn bị chu đáo, hiệu quả kế hoạch và nội dung tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam lần thứ ba để tiếp tục kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hànhLuật.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, để Đoàn Thanh tra cuả EC thấy được tính nghiêm minh, hiệu lực và quyết tâm của Việt Nam trong xử lý vi phạm.

Ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, đảm bảo kiểm soát 100% sản lượng cập bến tại các cảng cá chỉ định và thu hồi 100% nhật ký khai thác của các tàu cá cập cảng, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường châu Âu.

Đáng chú ý, bố trí kinh phí và nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Trong đó ưu tiên kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU để đảm bảo có đủ điều kiện triển khai thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU, đảm bảo người dân cập nhật, tiếp cận thông tin về chống khai thác IUU đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, tăng cường truyền thông trong và ngoài nước các kết quả tích cực đã đạt được trong thực tế, đấu tranh phản bác các thông tin tiêu cực gây bất lợi đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực