Cần sự phối hợp của các bên liên quan trong phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam

Thứ sáu, 20/10/2017 21:37
(ĐCSVN) – Đó là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FCBDM) diễn ra ngày 20/10 tại TP. Hội An.


Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (Ảnh:M.P)


Phóng viên (PV):
 Vấn đề tài chính toàn diện đã được quan tâm tại các hội nghị quốc tế như APEC, qua các nội dung thảo luận, xin Phó Thống đốc cho biết các kinh nghiệm được chia sẻ là gì?

 

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tài chính phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn là 1 chủ đề được Việt Nam lựa chọn và đề xuất cho hợp tác về tài chính toàn diện của APEC 2017.


Chủ đề này rất có ý nghĩa đối với các nền kinh tế ở giai đoạn đầu tiếp cận tài chính toàn diện và đặc biệt với Việt Nam bởi vì phát triển nông nghiệp nông thôn đã và đang là lĩnh vực mà Đảng và Chính phủ Việt Nam quan tâm với vai trò là cơ quan định hướng và ban hành các chính sách.


Trong gần 1 năm qua, với vai trò là nước chủ nhà, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ, ban, ngành và các nền kinh tế thành viên của APEC và các tổ chức quốc tế tthông qua nhiều hoạt động hiệu quả và thiết thực, đặc biệt là tổ chức một số diễn đàn hội nghị, diễn đàn về các khía cạnh khác nhau của tài chính toàn diện.


Đại diện của các cơ quan Việt Nam đã tham dự các diễn đàn này để trao đổi lắng nghe kinh nghiệm của các nền kinh tế thành viên APEC và có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện.

 

Chúng tôi cũng sẽ ghi nhận và nghiên cứu phục vụ cho quá trình xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, Chính phủ đã giao NHNN Việt Nam là đầu mối.

 

PV: Xin Phó Thống đốc cho biết cụ thể về quá trình phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam thời gian qua được triển khai thế nào, những kinh nghiệm gì chúng ta có thể rút ra sau qua hội nghị?


Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Trong Chiến lược này chúng tôi thấy có rất nhiều kinh nghiệm học hỏi của các nền kinh thành viên APEC chẳng hạn như khung khổ và khái niệm về tài chính toàn diện cần phải bao gồm các yếu tố. Ví dụ như: vấn đề tiếp cận dịch vụ rồi là sử dụng dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ tài chính. Hay kinh nghiệm về việc làm sao triển khai tài chính toàn diện hiệu quả, qua trao đổi chúng tôi rút ra cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan không chỉ khu vực Chính phủ mà còn các khu vực tư nhân cũng như các khu vực chính thức, khu vực phi chính thức...


Tôi cho rằng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện cần nhấn mạnh vai trò trung tâm của khách hàng, từ đó có những khách hàng mục tiêu, đó là những đối tượng yếu thế như người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa, phụ nữ hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ...

 

Trong quá trình triển khai thì phải ứng dụng công nghệ tài chính như Fintech để thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ.

 

Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc chú trọng xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng về tài chính, kể cả hạ tầng công nghệ cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, những vấn đề về tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô; những vấn đề về nhận diện số để giảm chi phí về sử dụng dịch vụ tài chính cũng như phòng chống rửa tiền,...Những nội dung đó cần phải được nghiên cứu để đưa vào chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.


Hiện nay, NHNN được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành dự thảo Chiến lược để trình Chính phủ để thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện.

 

Khi thành lập Ban chỉ đạo này sẽ giúp cho việc tham vấn của nhiều bên, nhiều Bộ, ngành cũng như sau này triển khai chiến lược hiệu quả.

PV: Trao đổi thông tin tín dụng được coi là có vai trò quan trọng và cần thiết trong thúc đẩy chất lượng và hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của tất cả các nền kinh tế thành viên. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia,  việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới chưa được triển khai thực hiện do các rào cản về khuôn khổ pháp luật. NHNN đã có sáng kiến hay giải pháp gì cho vấn đề này?

 

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Về vấn đề trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới  với các nội dung chính được các đại biểu đề cập gồm: Sự cần thiết phải thúc đẩy trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới; các yếu tố chính để xây dựng cơ chế trao đổi thông tin xuyên biên giới thành công, bao gồm cơ sở pháp lý và dữ liệu; xây dựng dự thảo Khung thỏa thuận hợp tác và từ điển dữ liệu.

Việc xây dựng mô hình “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” thành công sẽ góp phần đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại.

 

Trao đổi thông tin xuyên biên giới cũng là một chủ đề được các nước thành viên APEC quan tâm. Chính vì vậy, Việt Nam đã phối hợp với các nền kinh tế thành viên cũng như các tổ chức tổ chức hội thảo tại Hội An vào tháng 7 vừa qua.

 

Tại đây, các nền kinh tế cũng chia sẻ rất vấn đề và thúc đẩy trao đổi thông tin về tín dụng xuyên biên giới sẽ giúp cho vấn đề về minh bạch trong vấn đề cấp tín dụng để thúc đẩy tài chính toàn diện./.

Nhóm PV APEC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực