Cầu Cần Thơ có vị trí quan trọng kết nối các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: KV
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ đã được Trung ương đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối thông suốt các địa phương trong vùng với TP. Hồ Chí Minh và cả nước, đó là Sân bay Quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng Cần Thơ cùng các tuyến quốc lộ 1A, 80, 91, 91B, đường Nam sông Hậu.
Ngoài ra, khi cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi vào hoạt động cũng giúp cho TP.Cần Thơ phát triển mạnh mẽ khi kết nối với các địa phương khác trong khu vực.
Hiện TP.Cần Thơ đang tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án trọng điểm hòa vào các công trình huyết mạch, từng bước hoàn thiện kết cấu giao thông của Thành phố, thúc đẩy giao thương nội vùng và liên vùng..., qua đây kết nối những dự án giao thông lớn, nhiều công trình do Thành phố quản lý như các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị hòa vào mạng lưới giao thông. Các tuyến hẻm nội ô đã được nâng cấp mở rộng hoàn thành theo dự án nâng cấp đô thị. Các tuyến đường huyện, đường xã đảm bảo vận tải hành khách, hàng hóa nông sản khu vực nông thôn bằng ô tô. Từ cuối năm 2015, TP. Cần Thơ đã có tất cả 85 xã, phường, thị trấn đều có đường ô tô đến trung tâm...
Cùng với hệ thống đường bộ, đường hàng không được mở ra cũng góp phần đưa Cần Thơ xích lại gần với các vùng miền trong nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Sân bay quốc tế Cần Thơ đưa vào sử dụng là sân bay được đầu tư không chỉ phục vụ kết nối giao thông của Cần Thơ mà cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các khu vực khác trong nước và quốc tế. Cùng với đó, mở ra cơ hội lớn cho Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với thủ phủ miền Tây.
Sân bay quốc tế Cần Thơ hiện đang khai thác các đường bay, đó là Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Phú Quốc, Cần Thơ - Côn Đảo, Cần Thơ - Đà Nẵng, Cần Thơ - Đài Bắc trong dịp Tết Nguyên đán và Cần Thơ – Bangkok vào dịp hè.
Cùng với đường hàng không, thời gian qua, hệ thống cảng biển trên địa bàn đã và đang được đầu tư xây dựng nâng cấp theo Quy hoạch nhóm cảng biển số 6 của Bộ Giao thông Vận tải. Cụm cảng trung tâm Cần Thơ gồm khu bến Hoàng Diệu và khu bến Cái Cui hoàn thành nâng cấp, cơ bản đáp ứng cho tàu 10.000DWT đầy tải và 20.000DWT giảm tải cập bến. Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu đã hoàn thành và thông luồng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa bằng đường hàng hải.
TP. Cần Thơ cùng với các bộ ngành chức năng đang có kế hoạch phát triển cụm cảng Cái Cui với chiều dài 1.210m cầu cảng thành cảng tổng hợp - cảng trung tâm của cả vùng; xây dựng, phát triển khu 242 ha liền kề thành khu logistics trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, góp phần giảm được chi phí thời gian vận chuyển, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long …
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – TP. Cần Thơ là rất cần thiết, phục vụ vận tải hàng hóa khối lượng lớn bằng đường sắt, kết nối TP. Cần Thơ cùng các tỉnh trong vùng với TP.Hồ Chí Minh và quốc tế. Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh có tuyến đường sắt đi qua (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) nghiên cứu, góp ý đối với Đề xuất phương án và Báo cáo hướng tuyến đường sắt tốc độ cao nói trên do Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đề xuất. Hiện đang trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh – TP.Cần Thơ để triển khai các bước tiếp theo…
Nhiều cây cầu mới được xây dựng đã tạo liên kết giao thông thuận lợi giữa các địa phương trong địa bàn TP. Cần Thơ (Ảnh: K.V)
Được biết, trong năm 2018, ngành giao thông vận tải TP. Cần Thơ được giao chỉ tiêu vốn đầu tư xây dựng cơ bản là trên 147 tỷ đồng, ngay từ giữa năm, gần như đã giải ngân xong nguồn vốn trên. Bộ Giao thông vận tải đang triển khai xây dựng tuyến cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thành khai thác đồng bộ toàn tuyến vào năm 2021.
Song song đó, dự án tuyến N2 từ TP. Hồ Chí Minh kết nối với các cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khi đưa vào khai thác, sẽ kết nối TP.Cần Thơ với khu vực trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, tạo thành hai trục dọc cao tốc phía Đông và phía Tây kết nối với TP.Hồ Chí Minh góp phần chia sẻ lưu lượng và phá thế độc đạo cho quốc lộ 1, kết nối với các trục ngang quốc lộ 91, đường Nam sông Hậu.
Hiện nay, Cần Thơ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2018 Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải đô thị Thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; chiến lược đảm bảo an toàn giao thông TP. Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 và định hướng sau năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt./..