Cần Thơ thêm 18 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP

Thứ ba, 20/09/2022 17:53
(ĐCSVN) – Đến nay, TP Cần Thơ có 74 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, 50 sản phẩm được công nhận 4 sao và 24 sản phẩm được công nhận 3 sao.

Ngày 20/9, Hội đồng đánh giá và xếp hạng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị đánh giá và xếp hạng lần 2 cho 18 sản phẩm OCOP của 8 chủ thể trên địa bàn huyện Thới Lai và quận Bình Thủy. Kết quả, có 10 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và các sản phẩm còn lại xếp hạng 3 sao.

10 sản phẩm 4 sao bao gồm: Đậu phộng tỏi ớt; Đậu phộng gấc mật ong; Đậu phộng sầu riêng đa sắc; Đậu phộng sữa chua đa sắc; Hạt điều rang; Hạt điều nướng mộc; Hạt điều gấc mật ong; Hạt điều vị tỏi ớt (Chủ thể: Đinh Công Minh Thông - Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Đinh Gia Foods, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy). Gạo Đại Thành Đại Phát (Chủ thể: Đinh Văn Phil - HTX Đại Thành Phát, xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai). Nhãn IDo Định Môn (Chủ thể: Nguyễn Văn Hiền - HTX Nông nghiệp Đồng Tâm, xã Định Môn, huyện Thới Lai).

Các sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP tại Cần Thơ (Ảnh: laodong.vn) 

8 sản phẩm 3 sao gồm: Thanh nhãn Tín Huy (Chủ thể: Nguyễn Đại Giao - HTX Thuận Phát, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai). Nhãn IDo Xuân Thắng (Chủ thể: Cao Thị Ngọc Trân - HTX Nông nghiệp Hòa Thành Thắng, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai); Sầu riêng Trường Thành (Chủ thể: Nguyễn Văn Quít - HTX Tân Trung Thành, xã Trường Thành, huyện Thới Lai); Na Trường Thắng (Chủ thể: Phan Bá Phúc - HTX Thịnh Thắng, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai); Mắm cá Linh; Mắm cá sặc; Mắm cá chốt; Mắm cá lóc (Chủ thể: Nguyễn Tú Anh - Cơ sở sản xuất Mắm Cá Bà Đầm, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai).

Lũy kế đến nay, TP Cần Thơ có 74 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, 50 sản phẩm được công nhận 4 sao và 24 sản phẩm được công nhận 3 sao. Trong đó, quận Ninh Kiều và Thốt Nốt là hai địa phương có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng. Đa số các sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ thuộc nhóm sản phẩm rau sạch, đồ uống, thực phẩm chế biến, thuỷ - hải sản chế biến…

Sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm này trở thành sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng miền. Các sản phẩm OCOP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, động lực cho các hộ dân, cơ sở sản xuất tham gia chương trình để có nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao cho người tiêu dùng và đem lại chất lượng cuộc sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện.

Thời gian qua, nhằm hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng, đặc thù địa phương, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông và các huyện của Cần Thơ đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương ngày càng tốt hơn; quan tâm xây dựng, thúc đẩy các vùng nguyên liệu xây dựng nguồn nguyên liệu để phát triển sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ; hỗ trợ các chủ thể tiếp cận các chính sách phát triển sản phẩm OCOP (chính sách tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ,...); tổ chức các sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và các sàn thương mại điện tử nước ngoài, tạo cơ hội cho các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Theo đó, hiện đã đưa được 56 sản phẩm OCOP của thành phố tham gia các sàn lazada, tiki, shopee, voso, postmart.

Nhằm phát huy vai trò của Chương trình OCOP trong việc hỗ trợ, thúc đẩy việc hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới, Văn phòng điều phối nông thôn mới Cần Thơ đang phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn các chủ thể chuẩn bị hồ sơ thủ tục để đánh giá và xếp hạng thêm 53 sản phẩm tiềm năng trong những tháng cuối năm 2022; đồng thời, trình Trung ương công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (sản phẩm khô cá tra một nắng)./.

NK (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực