Chàng trai Thành Nam “tìm sao” OCOP cho sản phẩm từ sen

Chủ nhật, 05/11/2023 10:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Một lần ra chợ quê thấy rất nhiều củ sen được bày bán lăn lóc – loại củ thôn dã chỉ đơn thuần dùng chế biến các món canh, món hầm...một ý tưởng lóe lên trong đầu anh Vũ Ngọc Duy: Tại sao không nâng tầm củ sen lên thành sản phẩm OCOP.

Từ xa xưa, cây sen đã trở thành biểu tượng bình dị mà thanh cao tại các làng quê Việt, các sản phẩm từ sen như hoa để bài trí trong nhà tỏa hương thơm ngát; trà sen được ví như món đặc sản; canh củ sen hầm canh xương hoặc thuốc bắc với nước ngọt lựng, vị củ béo bùi, bổ dưỡng...tất cả những thứ đó đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam.  

 Để chủ động nguồn nguyên liệu, Công ty của Duy đã quy hoạch được hơn 10 mẫu ruộng để canh tác sen lấy củ.. Ảnh: KC

Với mong muốn đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng từ chính cây sen, năm 2020 anh Vũ Ngọc Duy ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh (Nam Định) quyết định thành lập Công ty Cổ phẩn Nông nghiệp VIAGRI, chuyên sản xuất và chế biến trà củ sen, tinh bột củ sen và 1 số dòng sản phẩm khác từ sen.

“Ý tưởng này của tôi lóe ra khi một hôm ra chợ quê, gặp những hàng củ sen bày bán lăn lóc, giá thành vài chục nghìn đồng/kg. Tôi nghĩ nếu tìm ra giải pháp chế biến sâu sản phẩm từ sen ắt sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn, và có thể nâng tầm nó thành một sản phẩm OCOP” – anh Duy chia sẻ.

Để chủ động nguồn nguyên liệu, Công ty của Duy đã quy hoạch được hơn 10 mẫu ruộng để canh tác sen lấy củ. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với nhiều hộ dân trong vùng để trồng sen, với diện tích liên kết lên đến gần 100 mẫu.

“Trước khi làm đồng loạt, tôi đã giành nhiều thời gian đi tham quan mô hình ở các địa phương lân cận, thậm thậm chí vào các tỉnh miền Nam như Sóc Trăng, Long An và vùng Đồng Tháp Mười…để học hỏi kinh nghiệm về cách trồng sen lấy củ, và phương pháp chế biến củ sen”, anh Vũ Ngọc Duy cho biết.

Theo anh Duy, trồng sen và làm ra các sản phẩm từ sen cần sự tỉ mỉ và tinh tế. Thời gian đầu cực kì khó khăn và vất vả, nhất là việc lựa chọn ra giống phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng thời tiết. Có giống sen phải mất đến 3 năm nó mới quen được thổ nhưỡng, khí hậu nơi trồng. Còn với các dòng sen khác như sen ta và sen lai rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam. Quá trình trồng thử nghiệm và sàng lọc qua các năm, hiện nay, Công ty của anh Duy đang canh tác 2 dòng sen lấy củ; đó là sen ta và sen lai.

Anh Duy cho biết, tất cả các bộ phận của cây sen đều được tận dụng để chế biến ra sản phẩm cho thu nhập. Ví dụ như lá sen chế biến thành trà lá sen; thân sen chế biến thành tơ sen; củ sen chế biến thành tinh bột sen, trà củ sen; ngó sen chế biến thành món ăn…

Với quy mô canh tác sen như hiện nay, năm 2022, Công ty của anh Duy đã xuất bán ra thị trường 5 tấn thành phẩm (gồm trà củ sen và tinh bột củ sen, củ sen tươi sơ chế…), với giá bán 390.000 đồng/kg trà củ sen, 900.000 đồng/kg tinh bột củ sen. Đây là 2 sản phẩm chủ lực của Công ty.

 Anh Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI giới thiệu sản phẩm trà củ sen đã được sếp hạng 3 sao OCOP. Ảnh: KC

Các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều được đóng gói cẩn thận, hút chân không hoặc đóng trong hộp nhựa, có gói hút ẩm và đóng seal niêm phong. Trên mỗi sản phẩm đều ghi rõ thông tin nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất, công dụng, hướng dẫn sử dụng; mã QR, chứng nhận (OCOP, HACCP…) nhằm tạo dựng niềm tin, uy tín với người tiêu dùng.

Với slogan “Chất lượng từ tâm, nâng tầm sức khỏe”, Công ty củ anh Duy luôn đặt chữ “tâm” vào từng sản phẩm, mong muốn sản phẩm trước khi ra thị trường là sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng chính là phương châm xuyên suốt trong quá trình đi “tìm sao” OCOP cho các sản phẩm sen của công ty.

Được biết, 2 sản phẩm là trà củ sen và tinh bột củ sen của anh Duy đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm cũng đã có mặt tại 1 số cửa hàng bày bán nông sản sạch, siêu thị và quảng bá rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử...

Nói về phương hướng, Giám đốc Công ty Cổ phẩn Nông nghiệp VIAGRI cho biết, những năm tới, Công ty sẽ đầu tư máy móc hiện đại, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa, hy vọng sản phẩm sớm có mặt ở thị trường nước ngoài.

Chia sẻ thêm anh Duy cho hay, toàn bộ giống sen được Công ty mua ở những cơ sở có uy tín ở các tỉnh miền Nam như Sóc Trăng, Đồng Tháp... Đây là những tỉnh được coi là “vựa” sen của cả nước nên giống sen thuần, thích nghi nhanh với các loại thổ nhưỡng, thời tiết.

“Công ty chúng tôi đang canh tác sen lấy củ theo hướng hữu cơ, quy trình khép kín. Mỗi năm canh tác 2 vụ sen. Mỗi vụ kéo dài trên 4 tháng. Trung bình, 1 mẫu Bắc bộ cho thu hoạch từ 2 - 3 tấn củ sen tươi. Mỗi củ nặng từ 2 - 4kg” – anh Duy tiết lộ.

Để có được năng suất như trên, theo anh Duy, trước khi vào vụ sản xuất, Công ty phải vệ sinh đầm trồng, xử lý sạch ốc bươu vàng, cá rô phi…, bởi đây là những đối tượng gây hại và tàn phá sự phát triển của cây sen.

“Đầm sạch thì bắt đầu trồng mầm củ sen ngập dưới bùn khoảng 10cm. Với khoảng cách củ cách củ 1,2m. Hoàn thiện khâu trồng thì chuyển sang giai đoạn chăm sóc. Mực nước trong đầm luôn dao động từ 20 - 40cm”, anh Duy nói.

 Cận cảnh sản phẩm trà củ sen và tinh bột củ sen do công ty anh Duy sản xuất. Ảnh: KC

Chia sẻ về quy trình chăm sóc cây sen lấy củ, anh Duy bộc bạch, sau khi trồng xong, Công ty bón phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục và chăm sóc bình thường. Trung bình, mỗi sào bón 1 - 2 tạ phân bón, tùy theo mực nước. Khi cây sen bước sang giai đoạn phát triển, lá xanh thì bón thúc đợt 2 và chờ đến kỳ thu hoạch.

Khi củ sen đạt tỷ lệ bột cao, thì bắt đầu khai thác. Theo đó, dùng máy sục, sục xuống bùn rồi kéo củ sen lên khỏi mặt. Củ sen sẽ được loại bỏ đầu mặt, rửa sạch và đưa vào chế biến sâu theo công nghệ cao.

Với 2 dòng sản phẩm là trà củ sen và tinh bột củ sen, sẽ được chế biến theo quy trình khác nhau. Đối với quy trình chế biến trà củ sen: Sau khi sơ chế, rửa sạch, đưa vào máy thái từng lát; tiếp đến đem phơi khô trong nhà màng theo công nghệ Hàn Quốc hoặc đưa vào máy sấy, tùy theo thời tiết.

Sau khi phơi hoặc sấy khô thì cho vào chảo gang sao vàng dưới lửa. Sao cho đến khi ngửi thấy mùi thơm thì để nguội rồi đóng gói. “Tùy theo thời tiết mà chúng tôi sẽ phơi hoặc sấy. Nếu sấy thì mỗi mẻ thông thường kéo dài trên 10 tiếng ở nhiệt độ 40°C”, anh Duy tâm sự.

Đối với quy trình chế biến tinh bột củ sen: Cho củ sen vào máy nghiền nhỏ, sau đó lọc bỏ bã; tiếp đến hòa nước cốt (nước bột) vào nước sạch để lắng đọng. Thời gian lắng đọng khoảng 10 tiếng. Kết thúc thời gian lắng đọng, tiến hành gạn lọc thêm nhiều lần cho đến khi tinh bột đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất sẽ chuyển sang công đoạn tách ra khay và cho vào máy sấy lạnh; sấy lạnh từ 16 - 22 tiếng. Khi bột khô và tỏa ở trạng thái tinh thể tự nhiên, sẽ tiến hành đóng gói...

Ông Mai Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trực Chính cho biết: Anh Vũ Ngọc Duy là gương điển hình trong kinh doanh, sản xuất tại địa phương. Nhờ tìm tòi, sáng tạo, các sản phẩm từ sen do công ty của anh Duy sản xuất những năm qua đã tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.

“Hiện nay, Công ty của anh Duy đang tạo công ăn việc làm cho 15 lao động chính, với mức lương bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động thời vụ, với mức lương công nhật 180.000 đồng/ngày. Ngoài ra anh Duy còn tham gia nhiều phong trào thi đua, khuyến học, hoạt động xã hội ở địa phương” – Chủ tịch xã Mai Văn Trường chia sẻ./.                                                             

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực