Chi trả dịch vụ môi trường rừng để phát triển bền vững

Thứ năm, 16/03/2017 16:32
Tỉnh Bình Thuận có diện tích rừng lớn với hơn 310.000 ha; trong đó, rừng tự nhiên khoảng 287.000 ha.

Ảnh minh họa. Nguồn: VTV

Thực hiện công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, giảm nghèo và cải thiện sinh kế cho các hộ dân sống ven rừng.

Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Bình Thuận cho thấy, sau 5 năm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh đã huy động nguồn thu từ 10 công ty, nhà máy, công ty cấp nước nằm trong lưu vực sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, kinh phí được phân bổ cho 14 đơn vị chủ rừng, tiến hành hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 1.287 hộ trên diện tích 53.207 ha, chiếm khoảng 40% diện tích giao khoán toàn tỉnh.

Hầu hết những hộ nhận khoán là đồng bào dân tộc thiểu số sống bằng nghề làm rẫy, thu hái lâm sản… Trung bình mỗi hộ thu nhập khoảng 580.000 đồng/tháng từ việc nhận khoán bảo vệ rừng.

Theo ông Hồ Thiện Đang - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận, nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng của các cấp chính quyền, ngành và đơn vị sử dụng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng được nâng lên rõ rệt.

Tại các lâm phần, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn, môi trường rừng từng bước được bảo vệ… Giao khoán quản lý bảo vệ rừng không chỉ tăng cường về lực lượng cho các đơn vị chủ rừng mà còn tạo gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng dân cư với chủ rừng và chính quyền địa phương.

Chính sách này còn mang đến nguồn hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc, hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tham gia bảo vệ rừng; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội miền núi của tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn vướng mắc về nguồn kinh phí để chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc huy động nguồn lực từ các đơn vị có sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chưa đủ cơ sở để tổ chức thu.

Tổng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng 5 năm qua là hơn 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu chủ yếu hiện nay vẫn từ thu ủy thác của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (chiếm 90%). Thu ủy thác trực tiếp - thu nội tỉnh chỉ được khoảng 10% trên tổng số thu.

Để chính sách này phát huy hiệu quả, UBND tỉnh Bình Thuận đã triển khai Đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn. Đối tượng cung ứng, sử dụng dịch vụ rừng được xác định cụ thể; nguồn gốc, tình trạng, diện tích của từng chủ rừng tham gia cung ứng dịch vụ rừng được thống kê đầy đủ.

Đây là cơ sở để tính toán giá trị chi trả cho các chủ rừng trong lưu vực theo đúng quy định nhằm nâng cao giá trị của rừng; gắn kết người sử dụng - người cung ứng dịch vụ môi trường rừng…, từ đó tạo nguồn lực tài chính ổn định để bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Theo đề án, sẽ có 64 công trình thủy điện, nhà máy nước, đơn vị quản lý nhà máy nước và khu du lịch sinh thái cảnh quan sử dụng dịch vụ môi trường rừng và 50 đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đề án quy định cụ thể giá trị chi trả và hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng cho từng nhóm đối tượng./.

Hồng Hiếu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực