Chính phủ tiếp tục "gỡ vướng" để doanh nghiệp có thể bứt phá

Thứ hai, 23/12/2019 16:40
(ĐCSVN) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, chuyển hướng vào sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cao, vượt khó vươn lên, khẳng định chính mình.

Hàng nghìn doanh nghiệp sẽ đối thoại với Thủ tướng

leftcenterrightdel
 

Với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững”, ngày 23/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt và lắng nghe nhiều ý kiến đầy tâm huyết của đại diện lãnh đạo hơn 700.000 doanh nghiệp trong cả nước.

Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã cùng nhau nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực doanh nghiệp thời gian qua về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: HNV)

Đồng thời, cũng thông qua đó, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần đoàn kết, biến lòng tự hào dân tộc thành sức mạnh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; đồng thời tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, cùng nhau tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường.

Hưng - suy của doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với vai trò của Nhà nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ và cũng không ít thách thức lớn, con số giải ngân vốn đầu tư lớn, tỷ lệ giảm nghèo tốt, tầng lớp trung lưu tăng, tinh thần khởi nghiệp cao, công cuộc phòng, chống tham nhũng mạnh hơn, tốt hơn. “Đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và hơn 3 thập niên Đổi mới của nước ta có sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu được vai trò của nhà nước và sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn cũng không thể không nhắc đến nhiệm vụ của nhà nước. Nhà nước phải cùng chung tay để giảm thiểu tối đa rủi ro cho doanh nghiệp” – Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng khi Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, chuyển hướng vào sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cao, vượt khó đi lên khẳng định chính mình. Thủ tướng gợi ý một số nội dung Hội nghị cần tập trung thảo luận, trong đó có việc tiếp tục hành động để tháo gỡ, giải nút thắt nhằm phát triển bền vững; tiếp tục đồng hành gỡ khó tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vốn, thủ tục hành chính...

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HNV)

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân phát huy tinh thần tự do kinh doanh theo pháp luật.

Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Nêu cao khát vọng chiến thắng, đổi mới để hướng tới một Việt Nam thịnh vượng

leftcenterrightdel
 Hội nghị kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cho phát triển chung của đất nước (Ảnh: HNV)

Báo cáo chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, tình hình phát triển doanh nghiệp thời gian qua có nhiều điểm sáng ấn tượng. Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu quy mô doanh nghiệp theo hướng tích cực, tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt.

Các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm hướng tới người thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội. Sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vẫn còn chưa thực sự hiệu quả và bền vững, cụ thể: Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng năm 2019 là 49,4%. Thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa. Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Hiện tượng này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Một gian hàng trưng bày của doanh nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị  (Ảnh: HNV)

Năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, máy móc thiết bị còn lạc hậu; chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn; chưa chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị, thiếu lao động chất lượng cao, có tay nghề. Khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh thấp để có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng có không ít rủi ro và thách thức. Bên cạnh đó những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp.

Có thể thấy, trong chặng đường hơn 30 năm Đổi mới vừa qua, người Việt Nam đã viết nên một câu chuyện thần kỳ, đưa tỷ lệ đói nghèo từ 60% dân số xuống còn 1,45% như hiện nay. Thoát nghèo đã khó, trở nên thịnh vượng và hùng cường càng khó khăn gấp bội. Và yêu cầu sống còn là Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới thể chế chính sách, còn doanh nghiệp tự nâng cấp mình để tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Để hoàn thành sứ mệnh này, cộng đồng doanh nghiệp hãy cùng Đảng và Nhà nước phát huy tinh thần của một dân tộc anh hùng trên hành trình chiến lược đưa đất nước Việt Nam hướng tới một xã hội khá giả, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045 - kỷ niệm lần thứ 100 năm thành lập nước” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi./.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực