Chủ động tháo gỡ khó khăn cho ngành nuôi tôm nước lợ

Thứ năm, 01/09/2016 20:53
(ĐCSVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có Thông báo số 7138-BNN-VP về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ diễn ra ngày 15/8/2016 tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Nghề nuôi tôm nước lợ chiếm vị trí quan trọng đối với ngành nông nghiệp (Ảnh: BT)

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nghề nuôi tôm nước lợ chiếm vị trí quan trọng đối với ngành nông nghiệp và sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Bằng sự nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, chúng ta đã hình thành được các vùng trọng điểm sản xuất giống và nuôi tôm nước lợ, bước đầu làm chủ được các công nghệ cơ bản; hình thành đội ngũ doanh nhân ở các khâu sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến, xuất khẩu, tạo nền móng quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu sản phẩm tôm nước lợ đã được mở rộng, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước trong khối EU. Đồng thời, ngành tôm đã triển khai một số đề tài khoa học công nghệ hỗ trợ sản xuất; hàng năm, trong nước sản xuất được hơn 100 tỷ con tôm giống, diện tích thả nuôi khoảng 700.000ha, đạt sản lượng trên 600.000 tấn tôm nguyên liệu với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện nay ngành tôm nước ta vẫn tồn tại một số bất cập. Đó là chưa có chương trình tổng thể phát triển sản xuất tôm nước lợ, chưa chủ động sản xuất tôm bố mẹ trong nước. Các doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng chưa tập hợp thành lực lượng đủ mạnh, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ, liên kết chưa chặt chẽ. Đặc biệt, chưa có hiệp hội ngành hàng đủ mạnh để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh. Vì vậy, sản phẩm tôm nước ta vẫn chưa có thương hiệu và giá trị cao, phát triển chưa bền vững.

Nhằm đưa ngành tôm phát triển thành ngành công nghiệp có thương hiệu và giá trị cao, tương xứng với tiềm năng lợi thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã giao tại văn bản số 5837/TB-BNN-VP ngày 8/7/2016 và Quyết định số 3177/QĐ-BNN-TCTS ngày 29/7/2016.

Trong đó, đặc biệt lưu ý các nội dung: xây dựng chiến lược tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam ở tất cả các khâu về rà soát quy hoạch, sản xuất giống, sản xuất thức ăn tôm, nuôi thương phẩm, chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu. Cần lưu ý đề xuất chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư, hợp tác trong nghiên cứu, sản xuất. Phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường rà soát, điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học công nghệ trên cơ sở tiếp thu các thành quả nghiên cứu trên thế giới. Tập trung nguồn lực, lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao nhiệm vụ nghiên cứu dài hơi về chọn tạo giống tôm nước lợ (đặc biệt là tôm sú) phù hợp với mỗi tiểu vùng sinh thái của nước ta.

Về chọn tạo tôm giống, cần chọn tạo theo hướng sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh, tăng trưởng nhanh. Đồng thời, quan tâm phát triển nghiên cứu, sản xuất thức ăn nuôi tôm để từng bước chủ động vật tư đầu vào cho sản xuất. Cùng với đó, tiếp tục trao đổi, đề xuất Bộ Tài chính về việc miễn thuế nhập khẩu trứng Artemia để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất tôm giống. Xúc tiến thành lập Ban Vận động thành lập Hiệp hội tôm Việt Nam nhằm tạo thành diễn đàn, tập hợp sức mạnh, tăng cường liên kết, hợp tác; làm cầu nối giữa doanh nghiệp, người sản xuất với nhà nước để giải quyết khó khăn vướng mắc; hình thành tổ chức đủ mạnh, có tiếng nói trên thị trường toàn cầu về ngành tôm Việt Nam, hỗ trợ ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững.

Giao Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, tập trung chỉ đạo, dành mọi nguồn lực để thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ tại công văn số 6228/BNN-TCTS ngày 25/7/2016 về tăng cường chỉ đạo nuôi tôm 6 tháng cuối năm và thực hiện thành công kế hoạch hành động nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm 2016. Tăng cường kiểm soát chất lượng tôm giống, vật tư đầu vào cho nuôi tôm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sản xuất kinh doanh chộp giật, gian lận, phá hoại sản xuất; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực