|
Ảnh minh họa |
Phóng viên (PV): Thứ trưởng đánh giá như thế nào trước cơ hội tăng tốc xuất khẩu của ngành hàng gạo nước ta hiện nay?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Về xuất khẩu gạo, năm 2022, chúng ta xuất khẩu 7,13 triệu tấn, giá trị 3,49 tỷ USD. Năm nay, 7 tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu 4,38 triệu tấn với giá trị 2,68 tỷ USD.
Về sản lượng lúa, năm nay dự kiến sẽ sản xuất trên 43 triệu tấn, có nhiều kịch bản có thể là 43,4 triệu tấn hoặc 43,2 triệu tấn, dự kiến tăng 1,8 - 2% so với năm 2022.
Chúng ta biết, Ấn Độ, Nga… cấm xuất khẩu gạo. Đây là tình thế, thời cơ cho gạo Việt Nam, vốn vừa có chất lượng, vừa có giá trị cao và đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Giá gạo của chúng ta cao hơn cả Thái Lan và Ấn Độ. Năm nay, dự kiến xuất khẩu gạo sẽ mang về 4,1 tỷ USD.
PV: Thứ trưởng cho biết về những cơ sở để chúng ta thành công trong việc chớp thời cơ xuất khẩu gạo năm nay?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta biết giống lúa của nước ta, 85% là giống lúa mới, gạo 89% là gạo chất lượng cao. Chúng ta đang xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải.
Thứ nữa là vụ lúa gạo của chúng ta chỉ có 3 tháng, cho nên tới đây, với giống, quy trình canh tác như vậy, phù hợp với từng vùng miền. Bên cạnh đó, việc bảo vệ đồng ruộng, chúng ta có nhiều kinh nghiệm, chúng ta có những chế phẩm sinh học… để đảm bảo cho thắng lợi của mùa vụ cũng như mở rộng phần diện tích. Đây chính là cơ sở thực tiễn và khoa học để chúng ta khẳng định sẽ có vụ Đông Xuân, Hè Thu thắng lợi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước cho người dân, cho chế biến, dự trữ, cho làm giống và chế biến xuất khẩu.
PV: Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có Tờ trình gửi lên Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Theo Thứ trưởng, giải pháp đặt ra giữa các bên như thế nào để chúng ta thành công trong nắm bắt cơ hội xuất khẩu gạo?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Với xuất khẩu gạo, ngoài sản xuất của Bộ NN&PTNT, của các địa phương còn có vai trò của Bộ Công Thương…, do vậy, trong phần tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới đã phân định giải pháp và trách nhiệm của các bên. Khi Chỉ thị được ban hành, sẽ truyền thông đến các cơ quan, địa phương, các Bộ, ngành để chúng ta phối hợp chặt chẽ, đảm bảo mục tiêu chớp được cơ hội, thời cơ trong điều kiện, bối cảnh đang tăng trưởng của ngành hàng gạo.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!