Có tín hiệu tích cực tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế

Thứ năm, 08/06/2023 16:31
(ĐCSVN) -Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu 2023 cơ bản được giữ ổn định; sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường bất động sản tiếp tục chuyển biến bước đầu, có thể là tín hiệu tích cực tạo đà cho sự phục hồi trong thời gian tới.

Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị chu đáo, chất lượng, bảo đảm an toàn, phục vụ tốt Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; quyết liệt triển khai công việc được giao, vừa tập trung xử lý vấn đề tồn đọng, kéo dài, vấn đề mới phát sinh, làm tốt công tác an sinh xã hội; vừa cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển trong trung và dài hạn.

Nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, nước ta nằm trong nhóm 10 thị trường logistics mới nổi.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023 (Ảnh: MPI) 

Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tháng 5 tiếp tục có chuyển biến so với tháng 4 và quý I, tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II. Tuy nhiên, do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai,… Đây là thách thức lớn, cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ để củng cố, thúc đẩy các xu hướng chuyển biến tích cực của nền kinh tế, tạo điều kiện phấn đấu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển năm 2023.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao các bộ, ngành, địa phương bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; điều hành linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước; chỉ đạo Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, các địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ ngay vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án đầu tư; chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức.

Tập trung chỉ đạo triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội; hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thị trường bất động sản, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất; tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; khởi công một số đoạn tuyến cao tốc phía Bắc, khánh thành một số dự án giao thông trọng điểm, đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông; thu hút FDI. Giải quyết các vấn đề tồn tại lâu năm về một số ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém, dự án chậm tiến độ,…; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch; xử lý vướng mắc, bất cập trong các lĩnh vực y tế, đăng kiểm, quy định phòng cháy chữa cháy,…

Trong tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, khơi thông nguồn lực đối với các dự án năng lượng điện tái tạo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; ban hành Công điện số 469/CĐ-TTg, số 470/CĐ-TTg để chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản; Công điện số 436/CĐ-TTg để đôn đốc xử lý đề xuất, kiến nghị của địa phương, bộ ngành; Công điện số 397/CĐ-TTg chủ động ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 15/CT-TTg chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ công tác quy hoạch,…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình KTXH nước ta tháng 5 tiếp tục chuyển biến khá tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 05 tháng đầu năm và tạo đà cho những tháng tiếp theo. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%) dù đã điều chỉnh tăng giá điện tăng 3% từ ngày 4/5/2023; lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực .

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu NSNN 05 tháng đạt 48% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 48,4% dự toán.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 5 ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước (tháng 4 lần lượt giảm 7,7%, 7,3% và 8,1%); 05 tháng ước xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 là 0,24 tỷ USD).

FDI đăng ký tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 05 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước (04 tháng chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp ổn định; sản lượng nuôi trồng thủy sản 05 tháng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 05 tháng tăng 12,6%, là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.

Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh,… đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức lớn của thế giới, khu vực đã tiếp tục ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư,... trong nước. Đây là vấn đề chung của các quốc gia, các nền kinh tế đang phải đối mặt, không thể có chuyển biến rõ rệt ngay trong“một sớm, một chiều”, trong khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài của dịch COVID-19 đã đến mức tới hạn. Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; phát huy kết quả đã đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới của từng bộ, cơ quan, trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp như tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo các diễn biến lớn, bất ngờ của tình hình thế giới, các xu hướng lớn toàn cầu và tình hình trong nước; chủ động, quyết liệt xử lý theo thẩm quyền, kịp thời tham mưu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên cơ sở kết quả làm việc của các Thành viên Chính phủ với địa phương, các bộ, cơ quan, địa phương theo thẩm quyền được giao, khẩn trương tháo gỡ, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu.

Các bộ, cơ quan và địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân./.

Hà Anh (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực