Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn của các dự án

Thứ năm, 17/10/2024 21:31
(ĐCSVN) - Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, những khó khăn, vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn của các dự án. Cùng với đó, trình tự thủ tục còn kéo dài, phức tạp, chính sách bồi thường hỗ trợ chưa phù hợp thực tế.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Thành ủy TP Hồ Chí Minh) 

Ngày 17/10, tại TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác số 3 của Chính phủ đã kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 6 địa phương trong vùng Đông Nam Bộ là 128.580 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ là 147.371 tỷ đồng, trong đó có 5 tỉnh phân bổ ngân sách địa phương tăng so với kế hoạch được giao do tăng thu các nguồn địa phương quản lý (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tính đến hết tháng 9/2024, tổng số vốn ước giải ngân của 6 địa phương trong vùng Đông Nam Bộ khoảng 45.594 tỷ đồng (đạt 35,46% kế hoạch), thấp hơn mức bình quân cả nước là 47,29%. Trong đó, nhóm 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước là TP Hồ Chí Minh (giải ngân 16.871 tỷ đồng, đạt 21,29%), Bình Phước (giải ngân hơn 1.789 tỷ đồng, đạt 32,27%), Đồng Nai (giải ngân hơn 5.844 tỷ đồng, đạt 46,77%).

Các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước là Bà Rịa - Vũng Tàu giải ngân hơn 11.082 tỷ đồng (đạt 93,75%); Tây Ninh hơn 2.373 tỷ đồng (đạt 56,87%); Bình Dương là 7.632 tỷ đồng (đạt 49,95%).

Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh, thành phố cũng nêu những khó khăn, vướng mắc khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa cao. Đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong thực hiện dự án; vướng mắc khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

 Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, những khó khăn, vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn của các dự án. Cùng với đó, trình tự thủ tục còn kéo dài, phức tạp, chính sách bồi thường hỗ trợ chưa phù hợp thực tế…

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề xuất: đối với dự án chống ngập, kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh toàn diện dự án và cho phép tiến hành các thủ tục thanh toán trước đây và thanh toán đất. Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết việc cung cấp cát cho xây dựng đường. Còn đối với các dự án ODA, kiến nghị hỗ trợ rút ngắn thời gian để giúp TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong công tác chuẩn bị và triển khai dự án được nhanh hơn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận cố gắng của các địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của các địa phương. Đây cũng là khó khăn chung của các địa phương trên cả nước.  Do đó, các địa phương cần tập trung rà soát, phân loại, đánh giá sát hơn các khó khăn, vướng mắc, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của mình thì quyết liệt khắc phục. Lãnh đạo địa phương phải nhận thức rõ trách nhiệm chính trị của mình trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp, năng lực điều phối cũng như trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cũng như tạo điều kiện để thực hiện những quyền được phân cấp./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực