Đồng bộ giải pháp phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên

Thứ năm, 17/10/2024 19:17
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, hiệu quả, trở thành các ngành hàng xuất khẩu, tập trung quy mô lớn có tính cạnh tranh quốc tế cao thì phải phát triển theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với quản trị hiện đại, hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm có thương hiệu, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ.

Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế

 Các đồng chí chủ trì tọa đàm.

Đó là phát biểu của đồng chí Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tọa đàm “Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức chiều 17/10, tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Theo đồng chí Hoàng Văn Dự, với những lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Tây Nguyên đã từng bước phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm của cả nước, với nhiều sản phẩm trở thành chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả... Tuy nhiên, do điều kiện sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ, năng suất thấp, khả năng liên kết, ứng dụng công nghệ cao còn yếu là những rào cản đối với việc phát triển của nông nghiệp. Vì vậy, để nông nghiệp phát triển nhanh, hiệu quả, trở thành các ngành hàng xuất khẩu, tập trung quy mô lớn có tính cạnh tranh quốc tế cao là phải phát triển theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với quản trị hiện đại, hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm có thương hiệu, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ.

Quy hoạch để khởi sắc và bứt phá

Vùng Tây Nguyên quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Theo mục tiêu quy hoạch đến năm 2050, Tây Nguyên sẽ là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn… Đồng thời khu vực này cũng hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Không gian sinh thái giàu bản sắc văn hóa. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển. Kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường...

 Đồng chí Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại tọa đàm.

Đồng chí Hoàng Văn Dự thông tin, phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên thời gian tới sẽ theo hướng hiệu quả cao, xây dựng thương hiệu đặc sản, hàng hóa hữu cơ và gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ. Làm sao để phát huy được thế mạnh của vùng Tây Nguyên, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây, rau hoa, cá nước lạnh... có sức cạnh tranh cao trong nước và trên thế giới; bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.

Đặc biệt, với những lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Tây Nguyên đã phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của cả nước, với nhiều loại cây chủ lực như cà phê, cao su, sầu riêng… Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của vùng Tây Nguyên cao kỷ lục, đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp và nông dân Tây Nguyên mở rộng sản xuất, ổn định thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với đó, việc Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do trong năm 2023; nông sản Việt Nam đã tiếp cận hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu.

Ngoài ra, theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới sẽ tăng tại một số nước khu vực EU. Mỹ là thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng hàng hóa nhưng năm 2023, Việt Nam cũng đã xuất khẩu sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đạt khoảng 13 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của nước ta ra toàn thế giới. Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm khoảng 6,7% giá trị nhập khẩu nông - lâm - thủy sản của Mỹ. Do vậy, cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ còn rất lớn với các mặt hàng như: cà phê, hạt điều, hồ tiêu, rau quả.

Hiện Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang triển khai nhiều đề án, giải pháp phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm, trong đó nổi bật là "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2025" tại 13 tỉnh, thành trên cả nước (trong đó có các tỉnh Tây Nguyên). Theo Đề án này, giai đoạn 2022 - 2023 sẽ hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung và giai đoạn 2024 - 2025 sẽ mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistics) hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu.

Có thể thấy, nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng, là bệ đỡ giúp ổn định kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh của vùng Tây Nguyên. Do đó, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng. Cùng với đó, việc bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ thiết yếu để bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của dân tộc đồng bào vùng Tây Nguyên. Một định hướng quan trọng nữa là phát triển nông nghiệp sinh thái vùng bền vững, kết hợp với sản xuất nông sản chủ lực quy mô lớn với năng suất và chất lượng cao theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc. Cần quan tâm đến phát triển nông đặc sản trên cơ sở lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển sản xuất, chế biến nông sản gắn với thị trường, tăng cường chế biến sâu, chuyển đổi số... tạo động lực cho nông nghiệp vùng Tây Nguyên vươn lên tầm cao mới.

Theo định hướng phát triển, vùng Tây Nguyên phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng; tập trung phát triển các cây trồng chủ lực, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu; phát triển các vùng chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thuỷ sản tập trung; thủy sản nước lạnh. Đồng thời, hình thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp vùng và hành lang kinh tế; liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, vùng Tây Nguyên phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Hình thành các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển kinh tế rừng, khuyến khích trồng rừng sản xuất ở những nơi có điều kiện phù hợp về đất đai, tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản; tiếp tục phát triển bền vững các vùng nguyên liệu đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến lâm sản...

Về ngành công nghiệp, vùng Tây Nguyên ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ, thân thiện môi trường gắn với lợi thế về nguồn nguyên liệu trong vùng. Hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến sâu, cụm liên kết ngành gắn với các đô thị trung tâm và hành lang kinh tế; liên kết hiệu quả với công nghiệp tiểu vùng Trung Trung Bộ, tiểu vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Đồng thời, phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn vùng...

Cũng theo Quy hoạch vùng, vùng Tây Nguyên phát triển ngành dịch vụ trong mối quan hệ tương hỗ phát triển với các ngành nông nghiệp, công nghiệp; tập trung phát triển thị trường cung ứng và tiêu thụ trong vùng và ngoài vùng theo các hành lang kết nối vùng và với cảng biển lớn ra các thị trường quốc tế.

Phát triển thương mại hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với điều kiện đặc thù của thị trường khu vực đô thị, nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa qua biên giới trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng ở một số cửa khẩu quốc tế chính.

Phát triển dịch vụ logistics gắn với các trung tâm, hành lang kinh tế kết nối các hoạt động thương mại trong nội vùng, liên vùng và hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất gắn với các thị trường trong nước và quốc tế; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc thù theo các địa bàn trọng điểm, gắn với di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, văn hóa cà phê và du lịch cộng đồng...

 Toàn cảnh tọa đàm.

Để Tây Nguyên thành trung tâm nông nghiệp mới

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để Tây Nguyên có thể trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực, cần triển khai đồng bộ nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Về thị trường tiêu thụ, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, gắn với chỉ dẫn địa lý và quảng bá, giới thiệu sản phẩm làm sao để tận dụng tối đa lợi thế sân nhà của thị trường rất lớn trong nước với quy mô gần 100 triệu dân; mở rộng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng Tây Nguyên.

Đối với thị trường xuất khẩu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; hướng tới các sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch với sản lượng lớn, chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Các tỉnh Tây Nguyên cần đề xuất, tổ chức triển khai cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông sản; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng, vùng nuôi; thúc đẩy liên kết sản xuất, hình thành các chuỗi nông sản chủ lực từ nuôi trồng đến tiêu thụ. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương, cá nhân, đơn vị xây dựng, công nhận các sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, cần chú trọng tới nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch; chống chịu sâu bệnh, dịch bệnh; thích ứng với biến đổi khí hậu... Tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản; thực hiện công nghệ tưới tiết kiệm nước. Nghiên cứu sản xuất, cải tiến các thiết bị, máy chế biến nông sản phục vụ sản xuất và chế biến sâu. Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi tại các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và các công trình hạ tầng thiết yếu khác... Đầu tư kinh phí để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng; ưu tiên những khu vực trọng yếu, nhạy cảm về môi trường./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực