Đắk Lắk tiếp tục phát triển cà phê đặc sản

Thứ hai, 25/11/2019 12:11
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, niên vụ 2018-2019, địa phương này có 203.063 ha cà phê, năng suất bình quân đạt 25,44 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 478.083 tấn. Theo kế hoạch sản xuất niên vụ 2019-2020, tỉnh Đắk Lắk sẽ duy trì 203.063 ha cà phê, năng suất bình quân ước đạt 25,44 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 465.000 tấn.
leftcenterrightdel
Mùa thu hoạch cà phê  (Ảnh Hữu Hoa)

Ngành sản xuất cà phê của Đắk Lắk đang đề ra các giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị cà phê trong thời gian tới, đó là tổ chức xây dựng các mô hình cà phê tái canh áp dụng biện pháp sinh học tổng hợp, tưới nước tiết kiệm gắn với công nghệ thâm canh cao, hướng đến sản xuất cà phê sạch; đầu tư công nghệ thu hái và chế biến cà phê sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo ông Lê Đức Huy, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk, để đảm bảo chất lượng của cà phê đặc sản cần phải có những cách tiếp cận về phương pháp chế biến, rang xay, chọn lọc…cả quy trình từ người nông dân đến người chế biến mới tạo ra được hệ thống về cà phê đặc sản mang thương hiệu của Đắk Lắk .

Cũng theo các hộ trồng cà phê lâu năm ở Đắk Lắk, việc sản xuất cà phê đặc sản phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, từ khâu chăm sóc đến thu hoạch và đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy chi phí chăm sóc tốn kém, nhưng giá bán sản phẩm được doanh nghiệp thu mua với giá cao.

Ngay từ năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chủ trương xung quanh vấn đề “phát triển cà phê bền vững”, đặc biệt là chủ trương “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020”. Chủ trương này đã dự kiến đưa ra các ứng dụng công nghệ cao đối với phát triển sản xuất cà phê trong thời gian tới như ứng dụng kỹ thuật trong vườn ươm để tiến hành sản xuất các loại giống cà phê kháng sâu bệnh và cho năng suất cao; sử dụng phân bón sinh học cho cà phê, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cà phê; ứng dụng GIS/GPS trong quản lý dinh dưỡng; ứng dụng enzym trong chế biến, sấy, phân loại hạt; ứng dụng công nghệ và thiết bị chế biến cà phê hòa tan…và giao cho từng đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp, liên kết triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho hay, nhận thấy giá trị cao từ cà phê đặc sản, từ năm 2018 tỉnh đã xây dựng đề án về phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 tổ chức liên kết với nông dân sản xuất cà phê đặc sản, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Sản lượng thu hoạch năm 2018 là hơn 1.000 tấn và được xuất khẩu theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Hiện tỉnh Đắk Lắk có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, với hơn 203 nghìn ha. Thời điểm này cũng đã có hơn 120.000 ha được bà con sản xuất theo chuỗi liên kết cà phê bền vững, trong đó có hơn 17.000 ha thuộc vùng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, với sản lượng hơn 47.000 tấn mỗi năm. Đây là tiềm năng để tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển cà phê đặc sản trong tương lai./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực