Ảnh minh họa. Nguồn: VOV
Theo đó, 3 vườn ươm ở xã Đức Minh (huyện Đắk Mil), 1 vườn ở phường Nghĩa Phú (thị xã Gia Nghĩa) và 1 vườn ươm ở thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’Lấp). Tổng diện tích 5 vườn ươm khoảng 1,9 ha, cung cấp gần 1 triệu cây giống thực sinh và cây chồi ghép, đáp ứng nhu cầu tái canh khoảng 800 ha cà phê.
Đây là những vườn ươm cây giống đáp ứng các tiêu chí theo Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông), việc công nhận và cấp giấy chứng nhận cho vườn ươm đạt chuẩn sẽ tạo điều kiện đối với các nông hộ sản xuất cà phê có nhu cầu tái canh tìm được nguồn cây giống chất lượng, không sâu bệnh, tiết kiệm chi phí vận chuyển khi bước vào vụ xuống giống đầu mùa mưa.
Đây là một trong các hoạt động hỗ trợ nông dân trồng cà phê ở Đắk Nông thực hiện tái canh và sản xuất cà phê bền vững từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng thế giới.
Diện tích cà phê của tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng hơn 125.000 ha; trong đó, diện tích kinh doanh gần 113.000ha, năng suất bình quân 22,3 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 250.000 tấn.
Từ năm 2012, tỉnh Đắk Nông thực hiện chương trình tái canh cà phê nhằm thay thế những vườn cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp bằng những giống mới có năng suất chất lượng cao hơn.
Đến cuối năm 2016, diện tích cà phê được trồng tái canh là gần 8.800 ha; trong đó, diện tích tái canh do người dân tự triển khai là hơn 4.450 ha, diện tích được nhà nước hỗ trợ giống là hơn 4.300 ha. Kế hoạch đến năm 2020, diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cây cà phê của Đắk Nông là gần 22.100ha./.