Dành 177,2 tỷ đồng cho kế hoạch kinh phí khuyến công khu vực phía Bắc

Thứ năm, 27/07/2023 20:34
(ĐCSVN) - Năm 2023, công tác khuyến công bước sang năm thứ 3, năm bản lề thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo phê duyệt tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình khuyến công do các địa phương ban hành.

Chiều 27/7, tại Quảng Ninh, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ 17. 

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cùng đại điện các Sở Công Thương, đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác khuyến công 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ 17 nhằm đánh giá kết quả công tác khuyến công của 28 tỉnh, thành phía Bắc năm 2022 và 6 tháng năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2023.

 Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ 17.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết: Chính sách khuyến công thời gian qua đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các ngành các cấp từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo phê duyệt tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình khuyến công do các địa phương ban hành.

Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, thiên tai, tác động vĩ mô của xung đột chính trị và kinh tế thế giới, công tác khuyến công đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tiếp sức, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công, góp phần tạo động lực cho phát triển công nghiệp nông thôn trong tình hình mới, hội nghị tập trung thảo luận một số nội dung, trong đó có việc đề xuất những vấn đề chung, quan điểm về đổi mới cơ chế chính sách để chuẩn bị cho việc xây dựng Nghị định mới quy định về hoạt động khuyến công hiện đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương tại Nghị quyết số 26/2013/NQ-CP ngày 27/02/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCHTW Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2022, tổng kinh phí khuyến công thực hiện của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 170,4 tỷ đồng, đạt 95,2% so với kế hoạch năm (179 tỷ đồng). Trong đó, tổng kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện là 79,5 tỷ đồng, đạt 98,3% so với kế hoạch (80,9 tỷ đồng) và chiếm 46,7% kinh phí khuyến công thực hiện toàn vùng. Tổng kinh phí khuyến công địa phương thực hiện là 90,9 tỷ đồng, đạt 92,6% so với kế hoạch (98,2 tỷ đồng) và chiếm 53,3% kinh phí khuyến công toàn vùng.

Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An, Phú Thọ, Bắc Giang...

Theo kế hoạch, tổng kinh phí khuyến công năm 2023 được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 177,2 tỷ đồng, thấp hơn 1,07% so với kế hoạch năm 2022 (179,1 tỷ đồng), trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia giao theo kế hoạch 82,6 tỷ đồng, chiếm 46,6% kinh phí khuyến công toàn vùng; Kinh phí khuyến công địa phương giao theo kế hoạch 94,6 tỷ đồng, chiếm 46% tổng kinh phí khuyến công địa phương đã được giao kế hoạch năm 2023 (205,7 tỷ đồng) và chiếm 53,4% kinh phí khuyến công toàn vùng.

6 tháng đầu năm 2023, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 53,2 tỷ đồng, đạt 30,02% kế hoạch năm, cao hơn 131,1% so với cùng kỳ. Trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia ước thực hiện 34,1 tỷ đồng đạt 41,3% kế hoạch năm; Kinh phí khuyến công địa phương ước thực hiện 19,1 tỷ đồng đạt 20,2% kế hoạch năm. 

Thông qua triển khai hiệu quả chính sách khuyến công, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương một cách bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa công nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới./.

Tin, ảnh: A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực