Điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Ninh Bình

Thứ tư, 23/08/2017 15:35
Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, từ năm 2014 đến nay, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã đi đầu trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Mô hình trồng rau sạch áp dụng công nghệ tưới nước phun mưa ở
xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh. Nguồn ảnh: nbtv.vn

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Yên Khánh đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

* Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao

Đến nay, huyện Yên Khánh đã chuyển đổi 50 ha đất trồng lúa sang trồng những cây có giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha như: mô hình cây dược liệu và rau các loại (xã Khánh Công); mô hình dưa kim hoàng hậu, măng tây (xã Khánh Trung); mô hình cây dưa chuột, bí xanh, mướp đắng, chanh đào (xã Khánh Thành); mô hình trồng cải bó xôi (xã Khánh Mậu); mô hình trồng dưa lê, dưa bao tử, hành lá (xã Khánh Nhạc)...

Đặc biệt, mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua việc xây dựng nhà lưới có phun mưa tự động để sản xuất rau xanh, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao và góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông sản. Trên diện tích 1 ha, mô hình được sự hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng của Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình) với sự tham gia liên kết của gần 40 hộ gia đình. Ngoài ra, mô hình cũng áp dụng các công nghệ như ươm giống bằng khay xốp, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới… đã giúp tăng chất lượng và sản lượng trên cùng một diện tích gieo trồng.

Theo tính toán, mô hình cho doanh thu khoảng 165 triệu đồng/ha trong khoảng 3 tháng, cao hơn so với phương thức trồng truyền thống hiện nay chỉ thu được khoảng 90 - 100 triệu đồng/ha. Ông Đinh Quốc Trị - một trong những hộ dân tham gia mô hình ở xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh cho biết: “Mô hình này đòi hỏi người nông dân phải đầu tư chi phí ban đầu cao hơn so với cách làm truyền thống, tuy nhiên sản phẩm lại đạt năng suất, chất lượng cao và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm đầu ra xuất bán ra thị trường cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với sản xuất rau thông thường”. Ngoài ra, huyện Yên Khánh cũng đã xây dựng 3 mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP với diện tích 130 ha tại xã Khánh Thành. Thành công ban đầu từ những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn huyện đã góp phần đáng kể giúp bà con nông dân tăng thu nhập, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Để có được những mô hình như vậy, nhất thiết phải có sự hợp tác, liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất thành khu, vùng đủ lớn để đưa công nghệ mới vào sản xuất. Nguồn lực và vốn cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mô hình, bởi việc đầu tư đưa công nghệ mới vào sản xuất không hề nhỏ. Chính vì vậy, huyện Yên Khánh đã đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tạo điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay đã có một số doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất của hộ gia đình để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao với quy mô vài chục ha. Nhiều mặt hàng nông sản của huyện đã được doanh nghiệp biết đến và tham gia bao tiêu như: vùng sản xuất rau an toàn trên 10 ha ở xã Khánh Thành; sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao 10 ha ở xã Khánh Hội; sản xuất rau và khoai tây ứng dụng công nghệ cao 35 ha ở xã Khánh Hồng và vùng cây dược liệu gần 100 ha ở các xã Khánh Thủy, Khánh Công, Khánh Cường...

* Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững

Từ năm 2014 khi bắt đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã được cơ giới hóa. 100% các Hợp tác xã nông nghiệp sử dụng các loại máy móc trong khâu làm đất và 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng các loại máy gặt đập liên hợp. Đồng thời, đã xây dựng nhiều hệ thống tưới phun mưa tự động trong các mô hình trồng rau nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chăn nuôi cũng ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật như công nghệ sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng hầm bioga xử lý chất thải và cải tạo môi trường…

Nhằm hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững, huyện Yên Khánh đã xây dựng Quy hoạch tổng thể nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đồng bộ giữa trồng trọt và chăn nuôi, thực hiện tốt công tác quy hoạch và tăng cường đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Yên Khánh tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương phục vụ yêu cầu sản xuất, thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tạo vùng sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… Đồng thời huyện đẩy mạnh sử dụng giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao và mở rộng thâm canh.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, huyện Yên Khánh xác định việc thay đổi tư duy của người sản xuất là vô cùng quan trọng. Do đó, huyện Yên Khánh cũng tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để nông dân thích ứng, tiếp cận nhanh với những mô hình mới, chú trọng liên kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Khánh cho rằng: “Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Qua đó vừa nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa sản xuất ra sản phẩm sạch bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Việc xây dựng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua ở Yên Khánh đã tạo hiệu ứng tốt, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững”.

Để tạo tiền đề ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được hiệu quả, huyện Yên Khánh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách phát triển nông nghiệp, chú trọng chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ hợp lý, nhân rộng các giống cây trồng mới. Đặc biệt, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung từ đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đem lại thu nhập cao và hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững./.

Đinh Thùy Dung/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực