Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ tư, 28/08/2024 20:29
(ĐCSVN) - Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ là nền tảng cho các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lập chiến lược sản xuất dài hạn, kế hoạch đầu tư đổi mới sản xuất, tham gia có hiệu quả các chương trình đầu tư đổi mới giá trị công nghiệp của ngành Công Thương.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Chi Mai)

Ngày 28/8, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ với chủ đề “Sự sẵn sàng của công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng các ngành công nghệ mới nổi".

Hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước, đồng thời tạo nền tảng cho các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp của Thành phố có bước phát triển bền vững thông qua việc hình thành mạng lưới các nhà sản xuất nhỏ và vừa.

Qua các kỳ tổ chức Hội nghị, Ban Tổ chức đã nhận được sự đồng hành của hơn 22 lượt tham dự của các doanh nghiệp FDI cùng kết nối hơn 300 cuộc trực tiếp và trực tuyến với hơn 130 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Gian trưng bày sản phẩm. (Ảnh: Chi Mai)

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có cơ hội gặp gỡ hơn 20 nhà mua hàng lớn như: Kanematsu, Bosch, Sharp… để tìm kiếm nhà cung cấp.

Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024 có sự tham gia của 22 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, điện tử, điện gia dụng, ô tô, cơ khí chế tạo, hàng không và y tế; đồng thời kết nối trực tiếp và trực tuyến với đại diện 130 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp 1-1 đã được sắp xếp theo nhu cầu của hai bên.

Các hoat động trong khuôn khổ Hội nghị gồm: Hội thảo tập trung thông tin về xu hướng thị trường các ngành công nghệ mới nổi như công nghiệp vi mạch bán dẫn; thị trường các ngành công nghiệp có giá trị cao như ngành hàng không vũ trụ, ngành công nghiệp y tế; kết nối cung cầu trực tiếp với các chuỗi cung ứng từ các đối tác Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... và các ngành công nghiệp thế mạnh của Việt Nam gồm: công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện, điện tử, điện gia dụng...

Trong khuôn khổ Hội nghị còn tổ chức giao lưu mạng lưới công nghiệp hỗ trợ; tổ chức trưng bày sản phẩm; giao lưu kết nối trực tiếp tại nhà máy của nhà mua hàng./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực