Theo đó, tỉnh Đồng Nai hiện có 5.359 hộ chăn nuôi thuộc 137 xã bị dịch tả, trên 447 nghìn con bị tiêu hủy. Tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh này có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, trong tháng 11, toàn tỉnh Đồng Nai chỉ tiêu hủy gần 7,9 nghìn con, giảm hơn 76% so với tháng 10.
Nhiều địa phương đã làm tốt công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, kiên quyết tiêu hủy lợn bị bệnh và đẩy mạnh các biện pháp dập dịch, từ đó không để dịch lây lan trên diện rộng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ, thời gian qua, toàn huyện có 12/13 xã có lợn chăn nuôi bị dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, đến nay ngoại trừ xã Xuân Đường chưa phát hiện dịch, nhiều xã hiện không còn biểu hiện có lợn bị dịch bệnh. Cụ thể, xã Xuân Bảo hiện đã công bố hết dịch; xã Xuân Mỹ đang lập thủ tục công bố hết dịch và xã Xuân Quế lợn đã ngừng chết trên 20 ngày... Địa phương cũng đã chi trả trên 63 tỷ đồng cho các hộ bị thiệt hại. Các hộ chăn nuôi sau khi được hỗ trợ cũng đã cải tạo chuồng trại và chuyển sang chăn nuôi gà, vịt, dê, bò…
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi huyện Thống Nhất cho biết, tính đến cuối tháng 11, thị trấn Dầu Giây là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện này đã công bố hết dịch. Các xã Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3 đã qua 30 ngày không phát hiện thêm dịch tả lợn Châu Phi. Công tác hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có lợn bị dịch cũng đang được khẩn trương hoàn tất, tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 120 tỷ đồng và đến nay đã có 724 hộ nhận tiền hỗ trợ theo quy định, với số tiền hơn 111 tỷ đồng. Hiện toàn huyện Thống Nhất còn hơn 120 nghìn con lợn, bằng 29,1% so với đầu năm 2019.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp dịch tả lợn châu Phi tỉnh Đồng Nai, trong vòng một tháng, từ ngày 25/11 đến 25/12, Đồng Nai sẽ tổ chức Tháng Tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc vụ đông - xuân. Các nội dung chủ yếu là tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong các chương trình quốc gia phòng, chống các bệnh như: bệnh lở mồm long móng, bệnh cúm gia cầm, bệnh dại... Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Công tác tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất được tập trung tại các khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực sau lũ, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm…
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tuy tình hình dịch tả lợn châu Phi có dấu hiện chậm lại nhưng các địa phương không được lơ là, đặc biệt cần quyết liệt trong phòng, chống các loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát vào cuối năm. Các địa phương phải quan tâm sắp xếp lại ngành chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp.
Người chăn nuôi muốn tái đàn phải đăng ký và phải thực hiện nghiêm ngặt trong công tác an toàn dịch từ đầu tư chuồng trại kín, điều kiện chăn nuôi, kinh nghiệm…Các địa phương đã qua 30 ngày không tái phát dịch phải thực hiện ngay việc công bố hết dịch để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vận chuyển, tiêu thụ và trong công tác tái đàn.
Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trong giai đoạn tới, tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cần tập trung vào những việc trọng tâm như công tác phòng dịch cho gia súc, gia cầm cuối năm; việc chuyển đổi nghề cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch; tình hình tái đàn của các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi; giải pháp bình ổn giá thịt lợn thị trường Tết Nguyên đán 2020…/.