Đồng Nai nỗ lực cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Thứ ba, 24/10/2023 13:24
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 Mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap ở Đồng Nai. (Ảnh: K.V)

Trong đó, cơ chế, chính sách là bệ đỡ để thu hút, khuyến khích đầu tư. Cụ thể, đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. Triển khai các chính sách khuyến công, khuyến nông hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp. Phát triển xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Để cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai xác định phải đi vào chiều sâu, theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp là điều kiện tiên quyết để Đồng Nai đưa ngành sản xuất nông nghiệp lên một tầm cao mới, từ đó sản phẩm nông nghiệp của địa phương tiếp cận được ra thị trường các nước trong khu vực và quốc tế.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 257,5 nghìn máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn gia súc, vệ sinh chuồng trại đạt gần 100%; có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín. Nhiều chương trình hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được triển khai hiệu quả như: Chương trình phát triển kinh tế trang trại; Chương trình xây dựng và phát triển hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản nông sản cho hàng chục hợp tác xã nông nghiệp; Chương trình khuyến công đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị áp dụng trong sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, trang trại đã có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất; phát triển dịch vụ cơ giới nông nghiệp…Với sự cố gắng của các sở, ngành, đơn vị, chính quyền địa phương và nông dân, những năm qua ở Đồng Nai đã chủ động ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất; góp phần thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp ở nông thôn.

 Nuôi tôm bằng máy sục khí tại huyện Nhơn Trạch- Đồng Nai. (Ảnh: K.V)

Đặc biệt, Đồng Nai là một trong những địa phương chăn nuôi quy mô công nghiệp trọng điểm của cả nước. Tỉnh cũng đi đầu khu vực Đông Nam Bộ trong ứng dụng công nghệ phát triển chăn nuôi hiện đại. Nhiều trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong việc điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống thu gom chất thải, thu trứng. Nhiều trang trại chăn nuôi đã có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo cam kết bảo vệ môi trường và ứng dụng hệ thống làm mát chuồng trại...

Tỉnh có nhiều mô hình tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào quản lý, tổ chức sản xuất như: Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) là mô hình hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước nuôi gà xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản. Trại gà Trịnh Đăng Khôi ở huyện Vĩnh Cửu đã áp dụng hệ thống dây chuyền máy thu gom và phân loại trứng, tự thu phân và sản xuất phân hữu cơ…

Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, sản xuất nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc đưa máy móc ra đồng. Hiện việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất cần sự đồng bộ với công nghệ cao, máy móc hiện đại từ khâu sản xuất, thu hoạch đến chế biến để tăng sức cạnh tranh đưa nông nghiệp Đồng Nai vươn ra thế giới.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới tỉnh Đồng Nai xác định phải thực hiện liên kết với hội đồng các nhà khoa học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm xác định loại cây chủ lực của tỉnh, thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu trọng điểm. Đây sẽ là cơ sở giúp các công ty, nhà sản xuất và các nhà nghiên cứu thực hiện áp dụng đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động trí thức trở thành lực lượng nòng cốt trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững./..

Bảo Châu (T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực