Đồng Nai: Phấn đấu thành một trong ba trung tâm kinh tế lớn nhất nước

Thứ ba, 07/05/2024 09:14
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu trong những năm tới sẽ “tăng tốc” để trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam.
Kết cấu hạ tầng được tỉnh Đồng Nai quan tâm phát triển để thu hút đầu tư. (Ảnh: Báo Công Thương) 

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trong thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và các vùng kinh tế khác. Có thể thấy, Đồng Nai hiện đang là một trong những địa phương tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Đến nay, các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã cho thuê được hơn 6.000 ha, đạt trên 85% diện tích đất cho thuê; thu hút được 44 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số trên 2.100 dự án, trong đó có 1.456 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ USD và 652 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 79.329 tỷ đồng.

Được biết, từ đầu năm đến nay, doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 7,94 tỷ USD, tăng hơn 9,1% (tương đương với 664 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hơn 5 tỷ USD và tiêu thụ nội địa gần 2,89 tỷ USD. Các lĩnh vực đang có sự phục hồi mạnh mẽ là giày dép; sản phẩm gỗ; xơ, sợi dệt; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm chất dẻo. Hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai đang chiếm khoảng 74% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thị trường xuất khẩu là hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cũng theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp của tỉnh đạt gần 2 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 99,5% kế hoạch năm. Các dự án trong nước đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh từ đầu năm đến nay đa số là xây dựng nhà xưởng để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.

Các doanh nghiệp trong nước sản xuất nhiều ngành nghề như: dệt may, sản phẩm gỗ, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo… Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung ứng cho các đối tác nước ngoài nên sản phẩm vừa có thể tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu sang nhiều nước./.

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực