Hệ thống hạ tầng tốt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực Đông Nam bộ
là điều kiện để các nhà đầu tư đến với mảnh đất này (Ảnh: K.V)
* Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do có những giải pháp tích cực như gặp gỡ đối thoại, trao đổi các thông tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước về ngành hàng, thị trường xuất khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại... nên đã góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, nhất là thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, Thành phố này có 158 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 192,4 triệu USD, so cùng kỳ năm 2015 tăng 58% về số dự án.
Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh còn có 39 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 85,7 triệu USD, so cùng kỳ tăng 11,4% về số dự án. Theo dự báo của UBND TP. Hồ Chí Minh, quý 2/2016 có nhiều thuận lợi từ các chính sách, chủ trương của Trung ương, đồng thời thị trường thế giới tiếp tục tăng trưởng tốt tạo điều kiện cho kinh tế thành phố tăng trưởng cao hơn cùng kỳ.
Để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, mạnh mẽ để đẩy mạnh tăng tưởng kinh tế, trong đó tập trung thực hiện nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Theo đó, Thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư vào các ngành mà Thành phố khuyến khích phát triển, như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
*UBND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư đợt I năm 2016 cho 33 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư 695 triệu USD, trong đó dự án đầu tư cấp mới là 21 dự án với tổng vốn đầu tư 554 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 12 dự án, với vốn đầu tư tăng thêm 141 triệu USD. Trong số này, các dự án từ Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu về số vốn với 204 triệu USD, tiếp theo là các quốc gia Singapore (188 triệu USD), Hàn Quốc (65 triệu USD), Nhật Bản (54,5 triệu USD)…
Môi trường đầu tư được cải thiện ngày càng tốt hơn và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, số lượt nhà đầu tư nước ngoài đến tỉnh Bình Dương tìm hiểu cơ hội tăng nhiều so với các năm trước. Đặc biệt là, các ngành, lĩnh vực tỉnh Bình Dương có lợi thế như: công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại - dịch vụ… đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gặt hái thành công. Trong năm 2016, tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có cũng như cơ hội lớn từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bình Dương tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… để tăng cường thu hút đầu tư. Cùng với đó, tỉnh này cũng sẽ tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế; huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...
Được biết, tính đến nay, Bình Dương đã thu hút 2.623 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 24,2 tỷ USD; trong đó có 1.561 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung với tổng vốn đầu tư gần 15,8 tỷ USD, chiếm 65,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh này.
* Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh này đã đạt gần 490 triệu USD, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2015, tương đương 157 triệu USD và đạt gần 49% kế hoạch năm. Trong đó, có 21 dự án cấp mới với tổng vốn 190,5 triệu USD và 21 dự án tăng vốn thêm 297,4 triệu USD.
Các dự án thu hút đầu tư nước ngoài của Đồng Nai hầu hết phù hợp chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh và phần lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao... với nhiều dự án cấp mới, tăng vốn trên 10 triệu USD. Các dự án đầu tư điều chỉnh có nội dung đa dạng như: chuyển nhượng vốn, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, bổ sung mục tiêu hoạt động sản xuất, thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối, mở rộng quy mô dự án...
Hiện Đồng Nai có trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư; ở tốp đầu trong lĩnh vực đầu tư vào Đồng Nai là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 1.577 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 28,3 tỷ USD, trong đó số dự án còn hiệu lực là trên 1.200 dự án có tổng vốn xấp xỉ 24 tỷ USD./.