|
|
Chế biến sản phẩm từ nông sản tại huyện Thanh Bình- Đồng Tháp (Ảnh: K.V) |
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, mặc dù trong năm 2019, sản xuất nông nghiệp của địa phương này diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi của Tỉnh. Tuy nhiên, xác định nông nghiệp là động lực cho sự phát triển kinh tế của Đồng Tháp, cùng với đó là sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp, các ngành và địa phương nên các chỉ tiêu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá và đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, nông dân Đồng Tháp đã phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Cao Lãnh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics ở huyện Lấp Vò; mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Thanh Bình... đã giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370 triệu đồng đến 450 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng một diện tích.
Cùng với đó là sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp của người nông dân, có thể khẳng định, người làm nông nghiệp ở Đồng Tháp ngày càng nhận thức được hiệu quả của việc áp dụng các kỹ thuật trong sản xuất theo hướng an toàn, quan tâm đến nhu cầu của thị trường; nhận thức được hiệu quả kinh tế trong liên kết sản xuất – tiêu thụ. Từ đó, chủ động thực hiện các tiêu chí trong sản xuất để tham gia vào chuỗi truy xuất nguồn gốc.
Năm qua, trên địa bàn Đồng Tháp xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, có liên kết tiêu thụ ổn định như: mô hình canh tác lúa lý tưởng, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, mô hình sản xuất cá tra được chứng nhận theo hướng an toàn, mô hình “Cây xoài nhà tôi”, mô hình “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”... Ngành hàng xoài năm 2019 đã được cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài, tập huấn cho nhà vườn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng của trái xoài để tham gia xuất khẩu. Xoài Cao Lãnh đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.
Một điểm nổi bật ở Đồng Tháp là kinh tế hợp tác và Hội quán đã góp phần quan trọng trong kết quả đạt được của ngành nông nghiệp. Theo đó, thông qua mô hình đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở. Mô hình trở thành nền tảng hình thành và phát triển các hợp tác xã mới.
Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Đồng Tháp đã thành lập 85 Hội quán và hoạt động ổn định, có hiệu quả, với gần 3.800 thành viên tham gia; đồng thời đã có 17 hợp tác xã được thành lập trên nền tảng mô hình Hội quán. Trong đó, có một số Hội quán đã xây dựng, kết nối liên kết tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người nông dân.
|
|
Mô hình du lịch nông nghiệp đang phát triển mạnh ở huyện Lai Vung- Đồng Tháp (Ảnh: K.V) |
Ngoài ra, mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn Đồng Tháp cũng ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Đó là mô hình gắn kết làm du lịch giữa người dân với doanh nghiệp để phát triển du lịch thông qua “Hội quán cùng nhau làm du lịch” của người dân TP.Sa Đéc; mô hình du lịch tham quan của những hộ dân trồng quýt hồng Lai Vung; các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch tại huyện Cao Lãnh, Tam Nông...
Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, ngành nông nghiệp Tỉnh này đã đề ra chỉ tiêu trong năm 2020 phấn đấu giá trị sản xuất toàn ngành đạt 44.184 tỷ đồng; giá trị tăng thêm đạt 18.640 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 3,5% so với năm 2019.
Để đạt được mục tiêu trên, Đồng Tháp đã đưa ra các giải pháp cụ thể, đó là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, theo cơ chế thị trường, chú trọng về chất lượng và giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với việc kiến tạo mạnh mẽ nền nông nghiệp hiện đại 4.0 theo hướng tích hợp công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano và cơ giới hóa.
Ngành nông nghiệp địa phương này cũng sẽ nhân rộng các mô hình giảm giá thành, bón phân thông minh, mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch gắn với thương hiệu... Đặc biệt, chú trọng việc xây dựng các vùng nguyên liệu sạch, an toàn, có truy suất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nhất là đối với thị trường Trung Quốc…./..