Đồng Tháp lắng nghe, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo

Thứ sáu, 17/11/2023 22:14
(ĐCSVN) - Qua lắng nghe những chia sẻ từ doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong ghi nhận nỗ lực, đóng góp của các doanh nghiệp trong phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp thời gian qua; đồng thời, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu gạo (Ảnh: Nguyệt Ánh)

Chiều 17/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện có buổi gặp gỡ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Được biết, hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 17 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xuất khẩu. Dự kiến năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp ước đạt 584.142 tấn, tăng 41,37% so với năm 2022; kim ngạch ước đạt 336,26 triệu USD, tăng 66,66% so với năm 2022.

Đồng Tháp hiện có khoảng 175 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo. Ước tính sản lượng xay xát, lau bóng gạo đạt 1,44 triệu tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99,6% kế hoạch năm. Dự kiến năm 2023, sản lượng gạo chế biến ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng 38,27% so với năm 2022.

Những tháng đầu năm 2023, tình hình tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp diễn ra thuận lợi, do nhu cầu nhập khẩu từ các nước tăng cao. Đặc biệt từ khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo, đã tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu, giá gạo nội địa và xuất khẩu của Việt Nam đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.

Theo các doanh nghiệp, giá gạo thế giới tăng nhanh cũng đồng thời đẩy giá lúa, gạo nguyên liệu trong nước tăng cao, gây ra khó khăn về tài chính cho nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác trước đó. Một số doanh nghiệp chưa liên kết thu mua với nông dân nên gặp khó về nguyên liệu để cung ứng cho các đơn hàng. Tâm lý chờ giá lúa tăng mới bán của người dân cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang thiếu vốn để thu mua lúa, gạo, gặp một số vướng mắc về thủ tục thuế…

Qua lắng nghe những chia sẻ từ doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong ghi nhận nỗ lực, đóng góp của các doanh nghiệp trong phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp thời gian qua; đồng thời, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.

Để tăng cường mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của hợp tác xã, nông dân trong cung ứng nguyên liệu lúa, gạo.

Đối với khó khăn về vốn, đồng chí Lê Quốc Phong đề nghị các ngân hàng trên địa bàn quan tâm hỗ trợ, nghiên cứu tiết giảm các thủ tục để doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội kinh doanh.

Những vướng mắc về logistics, giao thông, đồng chí Lê Quốc Phong ủy đề nghị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Phước Thiện nắm bắt thêm thông tin từ doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ, nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí trung gian, thuận lợi trong hoạt động.

Về triển khai giống lúa mới, mở rộng diện tích sản xuất của doanh nghiệp, đồng chí Lê Quốc Phong yêu cầu ngành ngành nông nghiệp cần tiếp cận để nghe chi tiết hơn và có sự quan tâm, hỗ trợ phù hợp./.

Tiến Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực