Đóng gói rau tại một trang trại trồng rau thuỷ canh tại thành phố Đà Lạt trước khi đưa đi tiêu thụ.
(Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp xây dựng vùng sản xuất rau, màu đủ điều kiện an toàn thực phẩm và định hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nền nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 300 ha rau, màu an toàn. Vừa qua ngành nông nghiệp đã triển khai tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất rau an toàn, an toàn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Đến nay tổ chức thực hiện 81 mô hình sản xuất rau an toàn, diện tích hơn 24 ha, với các loại rau: củ cải, hành lá, dưa chuột, dưa hấu, cải ngọt, cải xanh, rau muống, xà lách... có 100 nông dân tham dự. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng 7 mô hình nhân nuôi chế phẩm phân bón vi sinh trên rau với 40 nông dân tham gia. Kết quả cho thấy, hiệu quả kinh tế trong các mô hình trình diễn đều cao hơn so với ngoài mô hình. Mô hình sản xuất rau ứng dụng chế phẩm phân bón vi sinh làm giảm trung bình 30% lượng phân lân và 50 -70% lượng phân đạm nguyên chất so với nông dân ngoài mô hình, giảm 3-5 lần thuốc hóa học mà vẫn đảm bảo năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2014, Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự đã liên kết tiêu thụ với Siêu thị Vinafood Mart thành phố Cao Lãnh với số lượng 30 - 50kg rau củ an toàn các loại mỗi ngày. Rau an toàn Long Thuận vào siêu thị sẽ góp phần để người sản xuất thay đổi từ làm tự phát sang làm ăn tập thể, định hình vùng sản xuất quy mô lớn.
Ông Dương Minh Sang - Phó Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn xã Long Thuận cho biết, nhờ vùng đất màu mở nằm dọc sông Tiền rất phù hợp cho cây màu. Với diện tích 198ha thì có hơn 160ha đất màu, đất bãi, gần như được bà con trồng rau màu quanh năm.
Anh Đỗ Thanh Sĩ, ấp Long Hòa, xã Long Thuậ n người thực hiện mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới cho biết, trồng rau được 2 vụ nhưng đã thấy rõ hiệu quả của mô hình. Rau trồng trong nhà lưới xanh non hơn so với môi trường ở bên ngoài, đồng thời giảm được 3 - 4 lần phun thuốc nhờ không có sâu bệnh xâm hại. Tính trung bình 1.000 m2 chỉ đầu tư 1,2 triệu đồng/công, giảm hơn khoảng 300 - 500 ngàn đồng so với trồng bên ngoài. Từ hiệu quả mô hình, giảm giá thành và tạo ra những sản phẩm rau sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng giá trị bán ra trên thị trường...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiệu quả kinh tế khi sản xuất hoa màu cao hơn từ 1,7 – 16,4 lần so với trồng lúa. Cụ thể, lợi nhuận cao nhất là cây ớt 164,1 triệu đồng/ha, cây vừng 31,7 triệu đồng/ha, cây ngô 17,6 triệu đồng/ha, cây lúa 10,6 triệu đồng/ha, thấp nhất là cây đậu nành 10 triệu đồng/ha.
Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp còn hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu trên đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh; theo đó quy định định mức hỗ trợ giống đối với cây vừng là 800.000 đồng/ha, các loại cây màu và rau khác là 2 triệu đồng/ha. Để sản xuất rau màu an toàn đạt hiệu quả cao, tỉnh còn định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất rau, màu an toàn đến năm 2020 với tổng nguồn vốn hơn 99 tỷ đồng./.