EVFTA – hiệp định thế hệ mới hướng tới hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và châu Âu

Thứ tư, 03/11/2021 23:55
(ĐCSVN) – Nhìn lại một năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mặc dù vẫn có những điểm sáng trong bức tranh thương mại giữa Việt Nam và EU, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tận dụng lợi thế từ Hiệp định này.

 Chiều 3/11, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo trực tuyến Công bố Báo cáo Đánh giá một năm thực hiện EVFTA. Báo cáo đánh giá một năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam. Nghiên cứu đánh giá tổng thể tác động của EVFTA đến nền kinh tế Việt Nam sau một năm có hiệu lực trong bối cảnh COVID-19 và những thay đổi về mặt chính sách nhằm đáp ứng với các yêu cầu của Hiệp định, từ đó đưa ra các khuyến nghị giúp Việt Nam tối ưu hóa lợi ích từ EVFTA.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng VEPR, sau 10 năm đàm phán, EVFTA đã chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020, trong một bối cảnh đặc biệt khi mà cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19. Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông, thủy sản.

“Hội thảo mong muốn tạo ra một kênh trao đổi thông tin với quan điểm toàn diện, đa chiều dưới nhiều góc nhìn xác thực của các chuyên gia về xu hướng thị trường, triển vọng hợp tác và khuyến nghị các giải pháp thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp để thích nghi và tận dụng được những cơ hội thị trường mang lại”- PGS.TS Nguyễn Anh Thu nói.

Cũng theo Viện trưởng VEPR, thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn giúp các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc rằng, vai trò của Hiệp định không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều mà còn là lợi thế ưu việt cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Các chuyên gia, diễn giả tham dự Hội thảo (Ảnh chụp lại màn hình) 

Thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất cao rằng, EVFTA là một hiệp định mới nhưng đã tạo tăng trưởng ấn tượng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Đây là một hiệp định thế hệ mới, đã vượt ra khỏi ranh giới hiệp định thương mại tự do để hướng tới một hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện. Điều quan trọng là các bên phải làm thế nào để thật sự tận dụng hết cơ hội của các FTA nói chung và EVFTA nói riêng. Như gợi ý của TS. Lê Quốc Phương, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương tại Hội thảo thì cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước cũng như của từng doanh nghiệp, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế, Việt Nam vẫn chưa chưa đạt được việc gia nhập chuỗi giá trị, do đó, cần thông qua các FTA trong đó có EVFTA để tận dụng, từ đó đảm bảo xuất khẩu bền vững và thu lợi ích thực sự của EVFTA.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng nhất trí rằng, để tận dụng được tối đa lợi thế từ EVFTA, bản thân doanh nghiệp chủ động thôi không đủ mà còn cần sự đồng hành của Nhà nước và hệ thống ngân hàng, tín dụng.

Có thể thấy rằng, trước bối cảnh kinh tế phục hồi, cùng sự định hình và phát triển của những xu hướng thương mại, đầu tư mới, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng với các đối tác EU, mở ra cơ hội về thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, tạo nên sức bật mới, tăng trưởng bền vững khi cộng hưởng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt, chủ động thích nghi, đổi mới chính mình để đón đầu những cơ hội mới khi nền kinh tế chuyển trạng thái hậu COVID-19.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực