Gia Lai: Cần tập trung nguồn lực để phát triển xuất khẩu nông sản chủ lực

Thứ sáu, 18/10/2024 08:48
(ĐCSVN) - Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng khiến cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Gia Lai phải đối mặt với những thách thức mới trong thời gian tới. Điều đó đòi hỏi cần phải có những giải pháp cụ thể từ cả phía Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
 Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp góp phần xây dựng giải pháp giúp xuất khẩu nông sản Gia Lai ngày càng phát triển

Nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản xuất khẩu

Tại Tọa đàm “Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế” do Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức vào chiều 17/10, các đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, đánh giá những kết quả mà hoạt động xuất khẩu nông sản của Gia Lai đã thực hiện được trong thời gian qua; cùng phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn cũng như nguyên nhân, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan để từ đó khắc phục những hạn chế, phát huy những mặt tích cực. Các đại biểu cũng đã cùng nhau đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, giúp khai thác hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra những đột phá trong xuất khẩu nông sản.

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Gia Lai cho biết, dựa trên lợi thế của địa phương, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân và HTX tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, đặc trưng. Toàn tỉnh hiện có 327 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao, trong đó có: 47 sản phẩm đạt 4 sao và 280 sản phẩm đạt 3 sao, bao gồm các nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, thủ công mỹ nghệ, trang trí,.....

Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của tỉnh đã có bước tăng trưởng đáng kể, từ 205 triệu USD năm 2015 lên 492 triệu USD năm 2023 (tăng 2,4 lần). Giá trị xuất khẩu của nhóm hành nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 70 - 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Đồng chí Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Gia Lai  cho biết, Gia Lai cam kết tạo các điều kiện cho nhà đầu tư được nhiều thuận lợi trong thụ hưởng các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thực hiện việc liên kết, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư để tạo hiệu quả cao nhất

Nhờ vào sự tích cực và năng động trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, nông sản của tỉnh hiện đã có mặt trên khoảng 40 quốc gia lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand…

“Sự hiện diện ngày càng nhiều nông sản trên thị trường quốc tế là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nói riêng và của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh nói chung. Đây là thành tựu đáng tự hào của ngành nông nghiệp của tỉnh nhà”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Cũng theo đồng chí Dương Mah Tiệp, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới trong thời gian tới, có sự cạnh tranh mạnh mẽ đối với các thị trường xuất khẩu. Tỉnh Gia Lai vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh sẵn có, cần phải tập trung nguồn lực để phát triển xuất khẩu nông sản chủ lực, nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả

Chia sẻ tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công thương cho rằng, để tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường cho nông sản tại Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, cần xác định yếu tố tiên quyết chính là phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả để thúc đẩy xuất khẩu bền vững và đa dạng hóa thị trường.

Vì thế, trong thời gian tới, theo đồng chí Nguyễn Anh Sơn, để nông sản Tây Nguyên trong đó có Gia Lai tiếp tục được tiếp cận và gia tăng thị phần ở nhiều thị trường tiềm năng, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, thì các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng các địa phương, hiệp hội ngành hàng và Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên cần thực hiện quyết liệt một số giải pháp. Trong đó, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển mạng lưới giao thông; Củng cố và gia tăng liên kết vùng để từ đó, khắc phục các hạn chế và phát huy được thế mạnh của từng địa phương.

 Đồng chí Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu- Bộ Công thương cho rằng, trong quá trình triển khai xuất khẩu các mặt hàng nông sản, địa phương cũng cần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa đảm bảo đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu để tận dụng ưu đãi sẵn có trong các FTA,  kịp thời cập nhật các chính sách, yêu cầu đối với sản phẩm cũng như những thay đổi trong nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Trong quá trình triển khai xuất khẩu các mặt hàng nông sản, địa phương cũng cần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa đảm bảo đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu.

Đồng tình với những chia sẻ của đồng chí Nguyễn Anh Sơn, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân và nhiều đại biểu khác cho rằng, Gia Lai cần xây dựng định hướng, kế hoạch với các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu nông sản với các mục tiêu rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn, từng khu vực thị trường, từng sản phẩm và từng đối tượng. Để làm được điều này, công tác phân tích, dự báo là vô cùng quan trọng. Đồng thời, địa phương cũng cần chú trọng tới các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại. Tiếp tục quan tâm lĩnh vực sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo hộ sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Hiện nay, khi mà công nghệ số phát triển như vũ bão thì việc quảng bá sản phẩm trên nền tảng số mạnh sẽ là một lợi thế vượt trội cho doanh nghiệp, cho đơn vị.

Ứng  dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất

Về phía doanh nghiệp, các đơn vị tham dự Tọa đàm đều chia sẻ bản thân doanh nghiệp rất nỗ lực, rất tâm huyết với sự phát triển nông sản tại Gia Lai. Tuy nhiên, họ cũng gặp phải không ít khó khăn.  Các doanh nghiệp chưa phát huy hết được các mặt tích cực, chưa thực hiện tốt các quy định trong hợp đồng giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng, cần sự phối hợp của Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân để hoạt động xuất khẩu nông sản Gia Lai ngày càng phát triển 

Điều này cũng được TS. Lê Bá Chí Nhân chỉ rõ và một trong số thực trạng khó khăn thấy rõ đó là sự liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp và thị trường còn lỏng lẻo, thiếu các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, dẫn đến tình trạng nông dân khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, ngoài sự nỗ lực của chính doanh nghiệp thì Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, như: Hỗ trơ vốn, giảm thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai để đầu tư sản xuất nông sản…; Khuyến khích các phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường; Tìm kiếm thị trường mới, tìm hiểu và khai thác các thị trường tiềm năng, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm…

Doanh nghiệp cần có sự đầu tư vào chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu, chủ động tìm kiếm thị trường. Cùng với đó, người nông dân cũng cần tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia tích cực vào các hợp tác xã.

Chia sẻ tại Tọa đàm, đồng chí Trần Văn Trong, ủy viên Trung ương hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Gia Lai cho biết, hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh Gia Lai đã đạt được những bước tiến về định hướng, định vị, định hình về sản xuất và thị trường, còn định đoạt hiệu quả xuất khẩu thuộc về nhà đầu tư và doanh nghiệp. “Vì vậy, trong giai đoạn tới, hấp dẫn, thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư đại bàng sẽ là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển. Muốn thu hút được nhà đầu tư thì phải chuẩn bị tốt những yếu tố đầu vào và triển khai những giải pháp đồng bộ, nhất là xây dựng hạ tầng và chính sách hỗ trợ”, đồng chí Trần Văn Trong chia sẻ.

Đồng chí Trần Văn Trong cho rằng, cần đẩy mạnh ứng  dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa theo qui định của các FTA. Đồng thời, phát triển xuất khẩu phải gắn liền với  phát triển dịch vụ logictics để tối giảm chi phí, thời gian và tiếp cận thị trường có lợi nhất./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực