“Giải mã” sự phục hồi của du lịch Quảng Ninh

Thứ năm, 15/09/2022 14:01
(ĐCSVN) - Sau khi dịch COVID-19 được khống chế, với những giải pháp mang tính chủ động, toàn diện, đồng bộ, du lịch tỉnh Quảng Ninh đã có bước phục hồi “ngoạn mục” với sự gia tăng về cả số lượng khách (trong nước và quốc tế), cũng như về tổng doanh thu du lịch…

Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng lượng du khách tới Quảng Ninh ước đạt 6,9 triệu lượt, tăng 268%; tổng doanh thu du lịch ước đạt 14.868 tỷ đồng, tăng 296% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng TP Hạ Long - trung tâm du lịch lớn nhất của Quảng Ninh, nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đã đón 4,7 triệu khách, bằng 104,4% kịch bản tăng trưởng của năm 2022; doanh thu từ du lịch ước đạt 9.249 tỷ đồng, tương đương với 415% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng loạt khu, điểm du lịch biển đảo của Quảng Ninh đã được hàng chục vạn du khách trong và người nước lựa chọn. Điển hình như Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) hay Trà Cổ (TP Móng Cái), huyện đảo Cô Tô… Tại Cô Tô, 7 tháng năm 2022 đón trên 180.000 lượt khách (275.800 ngày lưu trú), tăng 3,6 lần so với cả năm 2021, doanh thu ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 377,6% so với cùng kỳ.

  Du lịch biển là thế mạnh nổi bật của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Như Quỳnh).

Mới đây nhất, tỉnh Quảng Ninh đã đón khoảng 250.000 lượt khách du lịch trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Các khu du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh tiếp tục thu hút đông đảo du khách nhờ cảnh quan đẹp, dịch vụ đa dạng, cơ sở hạ tầng đồng bộ. Trong đó vịnh Hạ Long vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất với gần 58.000 lượt khách, Bảo tàng Quảng Ninh khoảng 15.000 lượt khách, khu di tích danh thắng Yên Tử đón khoảng 4.500 lượt khách

Với những con số biết nói và không khí sôi động ở nhiều tuyến, điểm du lịch đã cho thấy sự hồi phục ngoạn mục của du lịch Quảng Ninh trong trạng thái bình thường mới. Sự phục hồi này có được từ nhiều nguyên nhân; trong đó, trước hết là do Quảng Ninh đã sớm chủ động chuẩn bị để “đón sóng du lịch” sau đại dịch COVID-19. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2022, Sở Du lịch Quảng Ninh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách về kích cầu phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong năm, tỉnh tổ chức khoảng 70 sự kiện lớn để quảng bá, thu hút khách như: Carnaval, liên hoan ẩm thực, hoạt động chào đón SEA Games, lễ hội áo dài, áo tắm…

Các địa phương trong tỉnh cũng có nhiều chương trình kích cầu du lịch. Điển hình như huyện Cô Tô đã sớm khởi động mùa du lịch mới bằng một loạt sự kiện, hoạt động thể thao - văn hóa hấp dẫn kéo dài tới cuối năm. Nổi bật là việc hút du khách tới đảo từ Giải Half marathone qua các thắng cảnh, bãi biển đẹp nhất Cô Tô; cuộc thi Người thuyết minh hay nhất về Cô Tô; tái khởi động phố đi bộ với Lễ hội Ẩm thực Cô Tô; Tuần Văn hóa - Du lịch Cô Tô gắn với sự kiện đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô (tháng 5/2022)...

Thực tế, trước thời điểm mở cửa chính thức 15/3, Quảng Ninh đã sẵn sàng các điều kiện và phương án chào đón du khách trở lại. Tỉnh tiếp tục duy trì áp dụng chính sách giảm 50% phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh và Khu di tích Yên Tử đến hết tháng 6/2022; ban hành chương trình kích cầu du lịch với 65 sự kiện văn hóa, thể thao cấp tỉnh và địa phương; chuẩn bị chu đáo cho SEA Games 31, Ngày Quốc tế Yoga và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Theo đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, việc chủ động xây dựng chương trình thu hút khách du lịch năm 2022 là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu của Quảng Ninh là đón 10 triệu khách, trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế.

Khách du lịch khám phá Hang Sửng Sốt, điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh.
(Ảnh: Như Quỳnh).

Bên cạnh đó, sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch tỉnh Quảng Ninh còn đến từ việc đẩy mạnh quảng bá và thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với các thế mạnh của từng địa phương. Quảng Ninh đã và đang tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch trong năm 2022, tập trung vào cao điểm mùa hè với các sự kiện tiêu biểu như: Lễ hội Carnaval Hạ Long 2022, lễ hội áo dài, liên hoan ẩm thực, liên hoan xiếc quốc tế... Bên cạnh đó là rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, như chương trình Âm nhạc đường phố do các nghệ sỹ trẻ thể hiện vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần, lễ hội âm nhạc điện tử EDM, hay các đại nhạc hội, giải thể thao… thu hút sự tham dự của hàng vạn du khách, khán giả… Cùng với đó, nhiều sản phẩm mới khác như: Bay trực thăng ngắm vịnh Hạ Long từ trên cao; Bay thủy phi cơ từ đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long đi đảo du lịch Cô Tô… cũng đã gia tăng sức hút cho du lịch Quảng Ninh.

Một lý do khác góp phần vào sự phục hồi của du lịch thời gian qua đó là tỉnh Quảng Ninh đã phát huy tốt sự đồng hành của những doanh nghiệp lớn, có uy tín gắn với coi trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các tuyến, điểm du lịch.

Thực tế, sự đồng hành của các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup… đã góp phần tạo lên diện mạo mới cho du lịch Quảng Ninh với hàng loạt những dự án lớn. Các đơn vị này cũng là “tác giả” của hàng loạt chương trình, sự kiện giúp quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh đến du khách trong nước và quốc tế. Đứng đầu trong số các tập đoàn đầu tư lớn vào Quảng Ninh là Sun Group, với Quần thể vui chơi giải trí Sun World Halong Complex, Sân bay quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và một loạt các dự án lớn khác, đã và đang tạo thêm những cú hích cho ngành du lịch Quảng Ninh.

Trước đây, du khách đến Hạ Long hầu như chỉ có lịch trình duy nhất là xuống tàu đi thăm vịnh rồi lên bờ và về. Nay, chỉ với một quần thể vui chơi giải trí Sun World Halong Complex, du khách có thể phải dành đến hai ngày mới chơi hết các trò chơi, trải nghiệm hết các sản phẩm, dịch vụ ở đây. Qua đó, giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách khi đến với Quảng Ninh.

Đặc biệt, việc coi trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các tuyến, điểm du lịch đã tạo ra nhiều cơ hội để du lịch Quảng Ninh thu hút thêm lượng lớn du khách. Mới đây, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, đi qua 5 huyện thị gồm Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái được đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển đến TP Móng Cái.

Có thể nói, với việc rút ngắn thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hạ Long xuống còn một nửa (còn 1 giờ 30 phút thay vì khoảng 3 giờ như trước đây), từ Móng Cái đến Hà Nội còn 3 giờ (thay vì 5 giờ 30 phút như trước đây), tuyến cao tốc này đã mở ra "cơ hội vàng" hút khách du lịch đến với thành phố biên mậu này. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng có ý nghĩa quan trọng trong tạo điều kiện cho du khách di chuyển thuận lợi bằng đường bộ từ cửa khẩu Móng Cái tới sân bay quốc tế Vân Đồn, từ đó bay tiếp tới các điểm đến khác trong và ngoài nước. Qua đó, giúp tăng tính kết nối và tăng lượng du khách đến với Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Bằng chứng là chỉ trong 4 ngày của dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, riêng TP Móng Cái đã đón khoảng 150.400 lượt khách, đông nhất từ đầu năm đến nay. Các khách sạn, nhà nghỉ tại Móng Cái luôn trong tình trạng kín hết phòng, những điểm du lịch nổi tiếng như: Mũi Sa Vĩ, bãi tắm Trà Cổ, Ngọn Hải Đăng Vĩnh Thực, chợ trung tâm, chợ đêm, cửa khẩu quốc tế Móng Cái… nhộn nhịp khách đến tham quan, trải nghiệm…

Với những giải pháp mang tính chủ động, toàn diện, đồng bộ, du lịch tỉnh Quảng Ninh đã có bước phục hồi mạnh mẽ với sự gia tăng về cả số lượng khách (trong nước và quốc tế), cũng như về tổng doanh thu du lịch. Sự phục hồi này không chỉ cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch thích ứng với điều kiện mới của tỉnh Quảng Ninh, mà còn là tiền đề thuận lợi để du lịch tiếp tục có những bước đột phá, khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh./.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực