Giảm khâu trung gian nhằm hạn chế gian lận thương mại, nhãn hiệu sản phẩm trồng trọt

Thứ tư, 05/10/2022 19:15
(ĐCSVN) - Tạo ra mối liên kết để làm sao tất cả những sản phẩm sản xuất được cấp mã số vùng trồng được liên kết chặt chẽ với những chuỗi doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, siêu thị để giảm bớt vấn đề ở khâu trung gian thì việc gian lận thương mại, nhãn hiệu sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi bàn về giải pháp hạn chế việc gian lận thương mại, nhãn hiệu đối với sản phẩm trồng trọt.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: B.T)

PV: Xin ông cho biết, từ góc độ của lĩnh vực trồng trọt, chứng nhận VietGAP được thực hiện như thế nào trong nhiều năm qua?

Cục trưởng Nguyễn Như Cường: Chúng ta phải thống nhất quan điểm, đó là không có nghĩa cứ phải là VietGAP mới an toàn thực phẩm, mà theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, ở đây trong phạm vi lĩnh vực trồng trọt, tất cả các loại hàng hóa, sản phẩm khi được bán ra ngoài thị trường đều phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo được điều này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 38, trong đó, giao quyền cho địa phương việc đánh giá các cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Điều này có nghĩa khi các đơn vị này được địa phương, một đơn vị của Sở NN&PTNT, có thể là Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật hoặc Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm tra, nếu đủ điều kiện sẽ cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Từ đó, các cơ sở này được sản xuất và lưu thông hàng hóa. Điều đó có nghĩa rằng tất cả các hàng hóa này đã đảm bảo về an toàn thực phẩm.

Còn chúng ta thực hiện theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam hoặc của thế giới là ở một mức độ cao hơn, có yêu cầu phải chứng nhận để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của những nhóm khách hàng có những yêu cầu cao hơn trong việc mua sản phẩm.

Về VietGAP, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một tiêu chuẩn Việt Nam về VietGAP. Việc thực hiện chứng nhận VietGAP của các tổ chức chứng nhận đối với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP phải thực hiện theo tiêu chuẩn này.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, tại sao những sản phẩm VietGAP chưa được phổ biến rộng rãi?. Chúng ta cũng phải tính cung - cầu của xã hội. Rõ ràng việc sản xuất VietGAP tốn nhiều công sức hơn, nhiều công đoạn hơn, chi phí từ phân tích đất, nước,…,các yếu tố theo yêu cầu của tiêu chuẩn Việt Nam về VietGAP. Điều đó có nghĩa, để thực hiện chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận hữu cơ, người nông dân, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, chi phí công sức nhiều hơn và tất nhiên giá thành của các sản phẩm này sẽ cao hơn khá nhiều so với các sản phẩm đủ điều kiện chứng nhận an toàn thực phẩm theo Thông tư 38 của Bộ NN&PTNT.

Do vậy, các sản phẩm có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP bán ra ngoài sẽ có giá cao hơn và tất nhiên khi bán ra, những người mua sản phẩm này phải chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn. Việc phát triển các sản phẩm VietGAP phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội và trả giá bán phù hợp để làm sao các tổ chức, cá nhân thực hiện theo tiêu chuẩn này phải có thu nhập xứng đáng để bù đắp lại chi phí.

Những người tiêu dùng khi bỏ ra đồng tiền nhất định để mua sản phẩm VietGAP, GlobalGAP hoặc sản phẩm hữu cơ, họ có quyền có được được sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, vấn đề ở đây, đó là thường xảy ra gian lận thương mại, nhãn hiệu.

Do đó, để hạn chế được điều này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thứ nhất là các cơ quan nhà nước, Bộ cũng như địa phương cần phối hợp với nhau trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng. Thứ hai là tạo ra mối liên kết để làm sao tất cả những sản phẩm sản xuất được cấp mã số vùng trồng được liên kết chặt chẽ với những chuỗi doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, siêu thị để giảm bớt vấn đề ở khâu trung gian để chúng ta hạn chế thấp nhất vấn đề khâu trung gian. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ về liên kết, hỗ trợ nông dân trong việc cấp mã số vùng trồng, quản lý mã số vùng trồng, vấn đề liên kết tổ chức sản xuất, từ sản xuất đến tiêu thụ.

Thứ ba là cần tăng cường công tác phổ biến pháp luật, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân, bao gồm người sản xuất, phải tuân thủ những yêu cầu của pháp luật, phải có trách nhiệm với xã hội. Thứ nữa là nhận thức của người tiêu dùng. Điều này rất quan trọng, họ cũng phải nhận thức với đồng tiền họ bỏ ra mua sản phẩm thì họ cũng có quyền yêu cầu vấn đề truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Cơ quan quản lý nông nghiệp thực hiện thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm gian lận thương mại không đảm bảo vấn đề xuất xứ hàng hóa. Đây là sự vào cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường, các cơ quan thanh tra chuyên ngành,…

PV: Sản xuất sản phẩm VietGAP tốn kém về chi phí, trong khi sản xuất của chúng ta còn manh mún, nhỏ lẻ, vậy chúng ta sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào để thúc đẩy sản xuất VietGAP thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Như Cường: Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vốn manh mún, nhỏ lẻ. Vấn đề để giảm chi phí, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng quy trình tiên tiến, chúng ta phải tập trung cùng nhau tổ chức lại sản xuất để giảm chi phí. Chúng ta tạo ra vùng hàng hóa quy mô, đủ lớn để cung cấp những sản phẩm ổn định về số lượng, giá cả.

Trên cơ sở những hộ quy mô nhỏ lẻ, chúng ta cần phải tổ chức lại sản xuất. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng hỗ trợ, phối hợp để tổ chức lại sản xuất. Nhưng bản thân những người nông dân sản xuất cũng phải tự nguyện, tự giác và có trách nhiệm trong việc tham gia tổ chức lại sản xuất, liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ.

PV: Trong thời gian vừa qua có một số vụ việc giả nhãn VietGAP, trong khi chúng ta phải kiểm soát từ sản xuất đến bàn ăn, vậy chúng ta sẽ khắc phục vấn đề này ra sao thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Như Cường: Hiện tại, từ sản xuất đến các cơ sở buôn bán, phân phối còn trải qua nhiều khâu trung gian, cần khắc phục. Như tôi đã nói, nếu chúng ta giảm thiểu đầu mối trung gian, từ sản xuất đến doanh nghiệp phân phối,…thì việc gian lận thương mại sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Vấn đề này không thể giải quyết “ngày một, ngày hai” mà cần có quá trình, lộ trình và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, về phía Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo đối với các cơ quan chuyên môn: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản chủ trì, phối hợp với Cục trồng trọt, các hiệp hội, ngành hàng trong thực hiện hỗ trợ cấp và quản lý mã số vùng trồng để nông sản sản xuất ra đảm bảo truy xuất nguồn gốc, minh bạch, rõ ràng quy trình sản xuất.

Thứ nữa là phối hợp với hiệp hội, ngành hàng làm sao để giảm đầu mối trung gian để trực tiếp liên kết, kết nối với hệ thống phân phối bán lẻ, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối,….Bên cạnh đó, người sản xuất cũng cần nhận thức trách nhiệm sản phẩm của mình đối với xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

 

BT (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực