Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban quý I Ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM của Thành ủy Hà Nội diễn ra chiều 29/3.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, hiện Hà Nội có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao được hình thành như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25-30%; vùng sản xuất rau an toàn trị giá đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng rau ăn quả trị giá từ 0,5-1 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh giá trị từ 0,5 – 1,5 tỉ đồng/ha/năm, có nơi đạt 2 tỉ đồng/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư giá trị từ 1-2 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất thuỷ sản giá trị từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản quý I/2018 ước đạt 8.632 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố đã tập trung xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay có 120 mô hình, tăng 15 mô hình so với cuối năm 2017; có 95 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tăng 24 mô hình liên kết so với cuối năm 2017…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, Hà Nội còn những hạn chế, đó là công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới còn thấp, năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả chưa cao; giá trị chăn nuôi thấp. Công tác tuyên truyền xây dựng NTM ở một số địa phương còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho công tác này chủ yếu từ nguồn đầu tư của nhà nước, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa nhiều. Việc nâng cao đời sống nông dân, đặc biệt là bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, đồng bào dân tộc còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo ở một số huyện còn tương đối cao…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 yêu cầu các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể của Thành phố, cũng như cấp uỷ, chính quyền, Ban chỉ đạo huyện, thị xã, các xã cần tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp (tăng tỷ trọng chăn nuôi, chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao) để phát triển bền vững; tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tiếp tục khuyến khích ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp (cây trồng và vật nuôi), tăng năng suất, chất lượng nông sản. Hình thành các chuỗi liên kết, các nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.
Đối với chương trình xây dựng NTM, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền vận động các hội viên, đoàn viên tích cực tham gia thực hiện xây dựng NTM. Các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm, hỗ trợ các huyện ngoại thành. Huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả để thực hiện Chương trình, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở các huyện và các xã đã đạt chuẩn. Tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cấp nốt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho các hộ nông dân và nâng cao đời sống cho họ.../.