Hà Nội: Phấn đấu diện tích cây trồng vụ Đông 2016 đạt trên 40.000ha

Thứ hai, 31/10/2016 18:20
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, trong vụ Đông 2016, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn Thành phố phấn đấu đạt trên 40.000ha. Trong đó, diện tích đất chuyên màu 14.400ha, đạt 36%; diện tích cây màu trồng trên đất lúa 25.600ha, đạt 64%.

Hà Nội phấn đấu đạt diện tích trên 40.000ha cây vụ Đông năm 2016 (Ảnh: BT)

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong vụ Đông 2015, tổng diện tích gieo trồng đạt 42.074ha, giảm 8.044ha so với vụ Đông 2014. Trong đó một số cây trồng chính như: đậu tương diện tích 10.586ha, sản lượng đạt 16.289,73 tấn; về cây ngô, diện tích đạt 10.004ha, sản lượng 47.169,18 tấn; khoai lang đạt diện tích 2.698ha, sản lượng đạt 26.896,07 tấn.

Trong vụ Đông 2015, ngành đã triển khai được một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới có hiệu quả như: sử dụng giống hoa mới (lily, đào, hồng, thược dược) cho giá trị cao hơn từ 15-20% so với sử dụng giống cũ; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất cây ăn quả (bao trái quả bưởi, nuôi cấy mô). Mô hình trồng ngô bầu biến đổi gen đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ như giống biến đổi gen, gieo bầu bằng máy, tăng mật độ trồng, kỹ thuật thâm canh.

Trong đó, với sản xuất ngô, năm 2015, diện tích trồng ngô biến đổi gen NK66 Bt/Gt đạt 30ha tại huyện Chương Mỹ, bước đầu đánh giá đây là giống ngô có thời gian sinh trưởng phù hợp với cơ cấu thời vụ 100-110 ngày. Năng suất trung bình đạt 60 tạ/ha, hiệu quả kinh tế tăng 6,1 triệu đồng/ha so với ngô thường. Đối với sản xuất rau an toàn, đến cuối năm 2015, diện tích cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất đạt 5.100ha, 242ha rau VietGAP và trên 40ha rau hữu cơ. Việc xây dựng và vận hành thí điểm mô hình chuỗi rau an toàn được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó đã xây dựng và vận hành thí điểm 11 chuỗi rau an toàn áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong vụ Đông 2016, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội phấn đấu đạt trên 40.000ha với tổng giá trị cây vụ Đông năm 2016 ước đạt 2.500 tỷ đồng. Trong đó, diện tích cây đậu tương khoảng 10.870ha, năng suất 15 tạ/ha; ngô 9.579ha, năng suất 51,3 tạ/ha; lạc 473ha, năng suất 19,92 tạ/ha, khoai lang 2.832ha, năng suất 98 tạ/ha,...

Nhằm để sản xuất vụ Đông 2016 thắng lợi, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, ngành sẽ chủ động tiêu, tưới nước, tập trung chỉ đạo điều tiết nước, đảm bảo độ ẩm đất. Đối với các diện tích không tiêu thoát nước bằng tự chảy, chủ động tiêu úng kịp thời. Bên cạnh đó, sử dụng cơ cấu giống ngắn ngày là chủ lực như đậu tương với cơ cấu giống có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 85 ngày: ĐT – 12, Đ8, ĐVN9. Ngô gieo trồng các giống ngô lai F1 năng suất cao có thời gian sinh trưởng từ 95-115 ngày như NK4300, NK6654, LVN4; lạc gieo trồng các giống MD7, L23, L14,...có thời gian sinh trưởng 105-110 ngày, năng suất cao, kháng bệnh,…để làm giống cho vụ Xuân năm sau.

Cùng với đó, chỉ đạo nông dân ủ phân hữu cơ, thu gom rơm rạ sau thu hoạch lúa mùa, chuẩn bị mùn, trấu, đất bột, bùn ao làm bầu, nilon, túi bầu để chủ động cho trồng cây vụ Đông trên đất ướt. Đồng thời chủ động liên hệ, hợp đồng sớm, huy động và tận dụng sức kéo, máy phay đất để làm đất nhanh phục vụ cho gieo trồng kịp thời vụ. Tăng cường đầu tư phân bón, bón đủ lượng, cân đối NPK để nâng cao chất lượng sản phẩm; tận dụng phân hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ vi sinh.

Thêm vào đó, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, coi trọng công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng vụ Đông, làm tốt công tác dự tính, dự báo. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại và có biện pháp tổ chức phòng trừ kịp thời, không để lây lan thành dịch. Chú ý các đối tượng như sâu khoang, sâu xanh,...nhất là ở những nơi năm trước đã có ổ dịch. Ngoài ra, UBND các huyện, quận, thị xã cần có chính sách hỗ trợ xây dựng và duy trì các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới, mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình tích tụ ruộng đất tập trung quy mô lớn, mô hình có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ bảo quản, sơ chế, chế biến các sản phẩm chủ lực cho nông dân./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực